Cần có sự chuẩn bị cho việc thay đổi phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia

Thứ ba, 07/04/2020 22:10
(ĐCSVN) - Sự thay đổi phương án kỳ thi THPT quốc gia cần có một sự chuẩn bị mang tính lâu dài để tránh tạo nên sự xáo trộn trong quá trình dạy và học ở các nhà trường.

Trong thời gian gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, học sinh các nhà trường ở các địa phương tạm nghỉ học để tránh dịch, đã có nhiều luồng ý kiến từ dư luận rằng nên thay đổi phương án thi THPT quốc gia năm 2020, chuyển sang xét tốt nghiệp. Cũng có ý kiến đề xuất không nên thay đổi quá đột ngột kỳ thi để tránh tạo nên sự xáo trộn đối với các nhà trường tại các địa phương...

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: K.S 

Thực ra vấn đề thay đổi phương án thi THPT quốc gia không phải đến bây giờ chúng ta mới bàn luận mà vấn đề này đã được đề cập đến từ nhiều năm nay, nhất là ba năm gần đây. Tuy có nhiều ý kiến trái ngược từ phía dư luận, các chuyên gia nhưng tựu chung lại đều mong muốn có một phương án tối ưu nhất cho công nhận tốt nghiệp ở bậc THPT. Năm học 2019-2020 là năm đặt ra vấn đề thay đổi là cần thiết hơn cả trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, công việc dạy và học ở các nhà trường, nội dung dạy học đã và đang được điều chỉnh cho phù hợp.

 Thiết nghĩ, sự thay đổi, đổi mới phương thức tổ chức kỳ thi là cần thiết trong sự phát triển của xã hội. Đổi mới để chúng ta có những cách làm hiệu quả hơn, khoa học hơn, loại bỏ những cách làm không còn phù hợp. Tuy nhiên, dù đổi mới như thế nào, chúng ta cần đảm bảo nguyên tắc, có học là có thi, có đánh giá và công nhận kết quả của một quá trình học tập của học sinh. Đây là nguyên tắc quan trọng có từ xa xưa. Hơn nữa, phải đảm bảo tính khoa học, công bằng trong khi đánh giá. Bấy lâu nay, thông qua dư luận của nhân dân, chúng ta nhận thấy, người dân đã và đang mong muốn tổ chức một kỳ thi vừa an toàn, nghiêm túc, vừa nhẹ nhàng, không căng thẳng, không tạo áp lực cho học sinh và xã hội. Điều này, đã được Bộ GD&ĐT không ngừng đổi mới trong những năm qua để đáp ứng được mong muốn của toàn xã hội.

 Có thể thấy rằng, những giải pháp để thay đổi, đổi mới kỳ thi THPT quốc gia cần được lưu ý để chúng ta nghiên cứu như chuyển từ thi sang xét công nhận tốt nghiệp, chỉ xét tốt nghiệp với đối tượng học sinh không thi đại học, còn thi sẽ dành cho các trường đại học để tuyển sinh đầu vào. Hoặc, Bộ GD&ĐT nên giao việc xét tốt nghiệp cho các địa phương thực hiện, chỉ tổ chức thi ba môn Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ...

 Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp như năm nay, học sinh học trực tuyến nhiều, việc nhiều địa phương đề xuất chuyển từ tổ chức kỳ thi sang xét tốt nghiệp là có cơ sở; bởi do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh các nhà trường tạm nghỉ, quá trình ôn tập để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho kỳ thi sắp tới của các em sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều. Nếu thay đổi phương án thi ngay trong thời điểm này sẽ gây ra những hiệu ứng như các địa phương, các nhà trường chưa có sự chuẩn bị, chưa có định hướng trong dạy và học theo hướng thay đổi; việc học tập và đặc biệt là ý thức học tập của một bộ phận học sinh sẽ thay đổi; công việc dạy và học ít nhiều bị xáo trộn...Do vậy, nếu muốn thay đổi phương án, chúng ta cần có một kế hoạch mang tính lâu dài, có quy chế quy định với những hướng dẫn chi tiết, cụ thể, có sự chuẩn bị trước, từ đó, các địa phương, các nhà trường có những phương án dạy và học để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.

 Trong thời gian này, Bộ GD&ĐT đã có những phương án rất tích cực để hướng dẫn các địa phương thực hiện để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới như hướng dẫn các địa phương, các nhà trường điều chỉnh nội dung dạy học, công bố bộ đề thi tham khảo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc dạy học trực tuyến, sáng tạo các hình thức dạy và học trong khi nghỉ dịch với phương châm dừng đến trường nhưng không dừng học, tăng cường tư vấn cách học, ôn tập cho học sinh... Như thế, nếu các địa phương thực hiện tốt các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thì chắc chắn học sinh sẽ vững tâm, có đủ kiến thức, kỹ năng để bước vào kỳ thi.

 Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT cũng cần xây dựng “kịch bản” cụ thể để ứng phó với các tình huống, đảm bảo tốt cho việc hoàn thành kế hoạch năm học và tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia vừa đổi mới, vừa an toàn, nghiêm túc và nhẹ nhàng. Khi tổ chức thi, chúng ta cần gắn với các tiêu chí cụ thể như học đến đâu, thi đến đó, đề thi giảm nhẹ phần nâng cao, tăng điểm ở kiến thức cơ bản và kỹ năng làm bài để đảm bảo quyền lợi của học sinh./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực