Chậm thu phí tự động không dừng, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ năm, 21/02/2019 18:46
(ĐCSVN) – Sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng tiền thu phí tại trạm Dầu Giây ngày 7/2, câu hỏi đặt ra là tính minh bạch trong doanh thu của các trạm thu phí BOT và tại sao chậm thu phí tự động không dừng, trách nhiệm thuộc về ai?

Trạm thu phí không dừng của Tasco - Ảnh: Đinh Hồng Hạnh

Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 có 28 trạm BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được triển khai thu phí tự động không dừng (ETC). Đến tháng 3/2017, trước nhu cầu về sự đòi hỏi phải minh bạch trong thu phí các dự án đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo đến hết năm 2018, toàn bộ 44 trạm BOT với trên 600 làn thu phí của các tuyến đường trên phải thực hiện ETC. Tuy nhiên, đến hết năm 2018, mới chỉ có 26 trạm BOT với 91 làn thu phí ETC được đưa vào vận hành, tiến độ này chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ đặt ra.

Lý giải về vấn đề này Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, với các trạm còn lại trên toàn quốc, hiện Tổng cục ĐBVN đang đốc thúc các nhà đầu tư nhưng tiến độ triển khai rất chậm, khó hoàn thành theo đúng thời hạn là cuối năm 2019.

Trước tiến độ áp dụng thu phí ETC bị chậm trễ, và sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng tiền thu phí tại trạm Dầu Giây ngày 07/2/2019, những nghi ngờ về sự bất minh, thiếu minh bạch trong hoạt động thu phí tại các dự án đường bộ đang không ngừng tăng lên.

Theo đó, Tổng cục ĐBVN đã báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về doanh thu của các trạm thu phí. Cụ thể, doanh thu của 63 trạm thuộc 57 dự án BOT trên cả nước đạt 12.192 tỷ đồng, bình quân các trạm thu được 537 triệu đồng/ngày. Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng công bố doanh thu trong dịp Tết Kỷ Hợi với 4 dự án cao tốc đều có doanh thu "khủng", có dự án đạt 3-4 tỷ đồng/ngày.  Để làm rõ việc thu đúng thu đủ tại thu phí trạm Dầu Giây, Tổng cục Đường bộ quyết định chính thức kiểm tra trạm này bắt đầu từ ngày 18/2.

Tuy nhiên, việc kiểm tra sẽ được tiến hành như thế nào, với thành phần ra sao để đảm bảo tính trung thực, khách quan lại là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Liệu có đại diện của người tham gia giao thông, đại diện của các tổ chức nghề nghiệp - xã hội liên quan như hiệp hội vận tải, taxi… ? Ngoài những nghiệp vụ chuyên môn cần thiết của một cuộc thanh kiểm tra như giấy tờ sổ sách, liệu việc đếm lưu lượng xe qua trạm - bao gồm các chủng loại theo mệnh giá thu phí - có được thực hiện một cách công khai, minh bạch?

Để giải quyết dứt điểm vấn đề minh bạch trong thu phí đường bộ, các chuyên gia giao thông khẳng định giải pháp tốt nhất hiện nay là đẩy nhanh tiến độ áp dụng hệ thống ETC.

Bởi những lợi ích của việc thu phí ETC đã rõ ràng, hạn chế gian lận, giao thông thông suốt, giảm chi phí vận hành, đồng thời giúp Nhà nước kiểm soát được nhà đầu tư. Dưới góc độ quản lý nhà nước, cái gì đúng quy định, mang lại lợi ích và sự công bằng cho xã hội thì phải mạnh tay, làm triệt để chứ không thể thỏa hiệp với doanh nghiệp.

Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, dự án đang gặp khó khăn do một số nhà đầu tư BOT tìm cách gây khó dễ. Một số nhà đầu tư không chịu bàn giao mặt bằng để mở rộng làn thu phí không dừng. Một số nhà đầu tư yêu cầu nghiệm thu xong chỉ số KPI (độ chính xác) mới cho triển khai tiếp nhưng lại không chấp nhận chỉ số VTEC đã nghiệm thu với nhiều nhà đầu tư BOT khác và được Tổng cục ĐBVN nghiệm thu. Trong nhiều cuộc họp đốc thúc tiến độ, lãnh đạo Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN đã nhận định, việc các nhà đầu tư muốn trì hoãn là do họ chưa sẵn sàng minh bạch.

Rõ ràng, Bộ GTVT đã thấy nguyên nhân chậm tiến độ dự án ETC nhưng chưa quyết liệt xử lý. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ GTVT phải có trách nhiệm với sự chậm trễ này. Nếu chủ đầu tư nào không thực hiện theo đúng lộ trình thì phải có chế tài xử lý. Nếu năng lực của nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa đáp ứng được yêu cầu thì phải thay hoặc yêu cầu tăng cường. Chính phủ đã có chỉ đạo, người dân đang mong muốn, dự án ETC cần phải đẩy nhanh tiến độ, số làn thu phí tự động cũng phải triển khai tối đa để phát huy hết hiệu quả.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thẳng thắn: “Bộ GTVT cần khẩn trương làm rõ nguyên nhân tại sao các trạm BOT lại chưa thực hiện việc thu phí không dừng. Đặc biệt, cần phải làm rõ việc trì hoãn này có xuất phát từ lý do lợi ích nhóm, lợi ích kinh tế của chủ đầu tư?”.

“Tôi cho rằng, việc này cần phải được phân tích, mổ xẻ trong thời gian tới, xem có phải do thiếu quyết liệt hay không? Vì sao Thủ tướng đã chỉ đạo như vậy mà lại không thực hiện? Các bộ, đặc biệt Bộ GTVT phải vào cuộc, Tổng cục Đường bộ cũng phải có sự kiên quyết về việc này” - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nêu./.

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực