Chẳng lẽ bất lực trước nạn "khoáng tặc"?

Thứ tư, 21/04/2010 14:52

Cho dù Luật Khoáng sản đã được Quốc hội khóa IX thông qua và có hiệu lực thi hành từ năm 1996, nhưng nạn vàng tặc, ti tan tặc, thiếc tặc, than tặc, cát tặc...nói tóm gọn là "khoáng tặc" vẫn tung hoành từ Bắc chí Nam, từ núi cao vực sâu đến sông suối và biển cả.

Để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản hữu hạn và ngày một quý hiếm này, chúng ta có cả một hệ thống quản lý từ Trung ương đến tỉnh, huyện và xã. Đặc biệt cách đây đúng 1 năm (tháng 4/2009), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 2304/VPCP-TN ngày 10/4/2009 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành tổng kiểm tra tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản tại những địa bàn "nóng" về nạn khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản. Trong đó có cả nội dung kiểm tra trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Đồng thời kiểm tra trách nhiệm của UBND tỉnh trong công tác khoanh định, phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; xây dựng, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền; những bất cập trong quá trình thực hiện. Kể cả việc kiểm tra tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Song trên thực tế hiệu quả chẳng đáng là bao, nạn "khoáng tặc" ngày càng "đồng khởi" dữ dội, gây bức xúc dư luận.

Minh chứng là trong chuyến lên Cao Bằng đầu tháng 3/2010 để tìm hiểu về nạn "vàng tặc" đang huỷ hoại dòng sông Hiến thơ mộng nơi đây, khi phóng viên tìm đến Trụ sở xã Minh Khai (xã là một trong những nơi "vàng tặc" đang lộng hành) thì cán bộ xã lảng dần, chỉ còn ông Đinh Văn Nông, Bí thư Đảng uỷ gượng gạo ngồi tiếp chuyện. Ông thừa nhận chuyện dân phá ruộng, moi móc lòng sông Hiến tìm vàng là phổ biến; xã đã nhiều lần tuyên truyền quán triệt; các đoàn liên ngành tỉnh, huyện, xã nhiều lần tổ chức kiểm tra, truy quét nhưng không hiệu quả và xã cũng chưa bao giờ xử phạt một ai vi phạm (vì họ đều là người trong họ tộc). Trả lời câu hỏi có biện pháp gì ngăn chặn nạn “vàng tặc” hay không? Ông thẳng thắn nói ngay: “Xã bó tay vì bí kế rồi. Tôi đang chờ xem huyện với tỉnh có làm được không!”.

Chính sự "bất lực" của các cấp chính quyền, nên mới có chuyện giữa "thanh thiên bạch nhật" vẫn có hàng trăm người ngang nhiên đào đãi thiếc trái phép ở hồ Xuân Hương nằm ngay trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Hoặc tình trạng khai thác cát trái phép trên hạ lưu sông Ba, đoạn qua các huyện Phú Hòa, Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) rất phức tạp, gây sạt lở đất sản xuất, thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù trước đó (ngày 4/3/2009), ngành chức năng và UBND huyện đã ra công văn yêu cầu chậm nhất đến ngày 8/3/2009 phải chấm dứt hoạt động khai thác cát tại xã Hòa An. Sau đó địa phương đã thanh lý hợp đồng với các đơn vị khai thác, nhưng hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa chấm dứt, thậm chí trở thành điểm “nóng”.

Còn tại xóm Kim Cương, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên - vùng khoáng sản thuộc quyền quản lý của Mỏ sắt Trại Cau, sau một thời gian trầm lắng, tình trạng khai thác quặng sắt trái phép lại bắt đầu tái diễn. Đã không ít lần Phòng TN&MT huyện, UBND xã và Mỏ sắt Trại Cau phối hợp tổ chức truy quét, tịch thu quặng. Thật trớ trêu là cứ sau mỗi lần truy quét, sau mỗi lần xử phạt hành chính thì người dân lại càng đào hăng hơn. Càng phạt càng đào, thậm chí không phạt thì còn đào lén lút, phạt rồi thì đào công khai.

Đặc biệt, ngoài sự thiếu ý thức và am tường pháp luật của một số người dân, thủ đoạn vừa tinh vi vừa liều lĩnh của bọn "khoáng tặc", vẫn còn tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" giữa các cấp quản lý ở địa phương. Đơn cử cũng tại tỉnh Cao Bằng, mới đây các lực lượng chức năng của tỉnh tập trung truy quét nạn khai thác vàng tại đầu nguồn sông Hiến. Khi tiến hành kiểm tra những cá nhân và doanh nghiệp đang khai thác vàng trái phép tại xã Bình Dương, huyện Hoà An, đoàn công tác phải "bó tay" bởi các chủ khai thác đều trưng ra Công văn số 119/UBND- CN do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Văn Páo ký và đóng dấu đỏ đàng hoàng. Trong văn bản này ghi rõ: “Đồng ý cho HTX Nông lâm nghiệp Đồng Tâm tạm thời khai thác cát sỏi lòng sông, kết hợp tận thu khoáng sản đi kèm (nếu có) trên sông Hiến, thuộc địa phận xã Bình Dương và xã Bạch Đằng, huyện Hoà An”!?. Văn bản này đã vi phạm nghiêm trọng Nghị định 21/CP của Chính phủ, đồng thời cũng vi phạm quy định chung của UBND tỉnh Cao Bằng về khai thác khoáng sản do đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Lô Ích Giang đã ký. Do đó, cuộc chiến chống "khoáng tặc" mà phần "thắng thế" vẫn đang nghiêng về những kẻ coi thường luật pháp.

Đây chỉ là một số dẫn chứng về sự "bó tay" trước nạn "khoáng tặc" đang diễn ra tại các địa phương, được những phần tử xấu thừa cơ lấn lướt gây nên những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế, môi trường và đời sống xã hội. Chính vì lẽ đó, Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2010) nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trong thời gian qua, trong đó vấn đề cần đấu giá quyền khai thác khoáng sản được nhiều nhà quản lý đồng thuận, coi đó là một trong những giải pháp khả thi có thể đẩy lùi nạn khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi như lâu nay.

Đề cập về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho rằng: Để tăng thu cho ngân sách, đảm bảo tính minh bạch, cần đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chứ không thể cấp phép theo cơ chế xin - cho như hiện nay, để xảy ra các trường hợp lợi dụng mua đi bán lại, hưởng lợi lớn từ tài nguyên quốc gia. Dự án Luật Khoáng sản nên bỏ quy định về cấp giấy phép khảo sát khoáng sản, lồng ghép hoạt động chế biến khoáng sản và giấy phép khai thác khoáng sản; bỏ quy định phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản ở khu vực ngoài quy hoạch...Hy vọng với những quy định chặt chẽ của Luật Khoáng sản (sửa đổi), hành động quyết liệt không khoan nhượng của các cấp quản lý và ý thức chấp hành luật pháp của người dân được nâng lên, nạn "khoáng tặc" sẽ sớm bị xoá bỏ tận gốc./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực