Chỉ mong đừng thái quá

Thứ sáu, 15/01/2010 22:30
(ĐCSVN) - Xưa, muốn nói gì về văn học-nghệ thuật thì nói nhưng trước tiên phải thuộc làm lòng ba chức năng hàng đầu của nó, đó là phản ánh, giáo dục và thẩm mỹ (thẩm mỹ được xếp sau cùng). Nhận xét nhau, chỉ cần buông một câu: “Tác phẩm của ông thuộc loại văn (hoặc kịch, hoặc phim, hoặc nhạc…) giải trí” tức là đã chê ở mức cao nhất, có thể giận nhau cả đời.

Ngày nay thì ngược lại, các chức năng phản ánh, giáo dục, thẩm mỹ biến đâu mất hoặc có chăng cũng là đứng cuối, thay vào đó, chiếm vị trí hàng đầu là giải trí.

Vậy là không ai bảo ai, người ta đua nhau làm ra các loại trò chơi và lấy tiêu chuẩn của sự thành công là số tiền thu được từ những người ham chơi. Trong âm nhạc, đó là những bản nhạc lai tây lai tàu, lời lẽ nhố nhăng, thô thiển. Trong phim ảnh là những phim dài, phim ngắn đấm đá tùm lum hoặc loanh quanh chuyện vụn vặt trong yêu đương, gia đình hàng ngày. Trong sân khấu chán chuyện vụ án, chuyện thất tình đến lại chuyện ma. Trong mỹ thuật là những tranh ai cũng vẽ được nhưng ai cũng không hiểu gì cả. Trong văn học thì mọi nhẽ, từ căng thẳng, rùng rợn đến bi lụy, sướt mướt.

Tôi không chê tuốt những gì không giống như trước. Lẽ tồn vong của nghệ thuật có việc dám vứt bỏ cái cũ để đi tìm cái mới. Trong hành trình tìm kiếm mạo hiểm ấy, có thất bại và có thành công. Thành công đã có và tất nhiên là quí rồi, nhưng ngay cả sự thất bại, cũng nên như Whitman khi ông “Hoan hô những chiến thuyền nằm dưới đáy đại dương”. Nhưng đây là chuyện khác. Chuyện sùng bái nhu cầu giải trí, coi giải trí là quan trọng nhất hoặc đơn giản chỉ là nương tựa vào nhu cầu này để kiếm được nhiều tiền.

Và hậu quả của nó là gì? Là thị trường âm nhạc hiện nay. Gọi là thị trường vì nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, người tổ chức biểu diễn hiện nay đều có mục tiêu gần như duy nhất là kiếm tiền. Có quá ít những nhạc phẩm của dòng “nhạc trẻ” hiện nay tồn tại được quá đơn vị tháng. Tuổi nghề của các ca sĩ dòng nhạc này ngày một ngắn dần. Tình trạng lượng đĩa tuy đã sụt giảm nhưng vẫn ế ẩm của các “an bum” đã đến mức báo động. Hiện tượng các ca sĩ ra nước ngoài tìm miền đất hứa đang lục tục muốn quay về rất đáng để ta suy nghĩ. Và hơn hết, chúng ta đã có một nền âm nhạc như thế nào sau vài thập kỷ qua? Vừa qua, một bạn đọc đã huỵch toẹt trên báo một thực trạng điếng người: Công chúng âm nhạc hiện nay không đi nghe nhạc mà mua vé vào rạp để xem thần tượng của họ trên sân khấu. Họ không cần biết nội dung ca khúc là gì mà chỉ cần xem ca sĩ ấy ăn mặc, nhảy múa, cười nói ra sao. Còn phim ảnh, hầu hết phim được khán giả bình chọn trong cuộc liên hoan phim truyền hình vừa rồi là phim giải trí. Các phim có doanh thu cao, được giải cao vừa qua là phim giải trí. Dịp tết nguyên đán này, hầu hết các phim được quảng cáo cũng là phim giải trí. Phim giải trí cần có nhưng nó không thể thay thế phim nghệ thuật, một nền điện ảnh không thể đi tới vinh quang trên đôi chân phim giải trí. Một đạo diễn (còn khá trẻ) vừa qua đã phải kêu lên: mối nguy của điện ảnh hiện nay là phim giải trí đang giết chết phim nghệ thuật. Sân khấu thì sao? Trong khi các vở được giải trong liên hoan sân khấu toàn quốc năm vừa qua đang diễn ở một nơi sang trọng nhưng vắng vẻ thì ở một nơi khác, kịch có hồn ma vợ trả thù chồng vẫn đông nghịt người mua vé. Đó là nhu cầu của công chúng mà, tôn chỉ của chúng tôi là sống bởi công chúng - đạo diễn của vở nói. Nhưng đó là công chúng nào thì ông không cho biết. Văn học thì sao? Văn học là một thứ trò chơi như mọi trò chơi vì con người có 3 nhu cầu cơ bản là ăn, chơi và làm. Làm để có điều kiện ăn và chơi. Tôi nghe loáng thoáng ai nói câu đó trong hành lang một cuộc hội thảo gần đây.

Xin không cãi lại bất kỳ ai về vai trò của giải trí. Giải trí là một nhu cầu lành mạnh của con người và nghệ thuật có chức năng đó. Cũng không cãi lại bất kỳ ai về chức năng phản ánh “văn học là thư ký‎ của thời đại” và chức năng giáo dục của nó “văn học là nhân học”. Nếu bàn chăng thì chỉ bàn ở chỗ đừng thái quá, lúc tuyệt đối hóa bên này, lúc nhấn mạnh quá bên kia như người gánh kệnh khó đi, có khi còn đổ kềnh giữa đường ./.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực