Chủ trương xây dựng hầm chui qua sông Hàn: Ý kiến từ các nhà chuyên môn

Thứ hai, 20/03/2017 16:52
(ĐCSVN) – Sau khi Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng bài “Xây dựng đường hầm chui qua sông Hàn - nên hay không ?” của Kiến trúc sư Hoàng Sừ, chúng tôi tiếp tục nhận được ý kiến của các nhà khoa học chuyên ngành cầu đường tại Đà Nẵng.

Xây dựng đường hầm chui qua sông Hàn - nên hay không?

Không gian khu vực sông Hàn 
(đoạn từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước) - nơi dự kiến sẽ xây dựng hầm chui đi qua.

Cần cân nhắc kỹ…

 

Nhiều nhà khoa học chuyên ngành cầu đường tại TP Đà Nẵng cho rằng, muốn xây dựng hầm chui qua sông Hàn, lãnh đạo TP cần cân nhắc kỹ lưỡng sự cần thiết và hiệu quả của công trình, bởi đây là một công trình lớn, không những ảnh hưởng trực tiếp đến không gian hai bên bờ sông Hàn và quy hoạch phát triển chung của TP mà còn tốn kém nhiều tiền của nhân dân (dự kiến chi phí đầu tư xây dựng khoảng 4.700 tỷ đồng - một số tiền không hề nhỏ!).

Trao đổi về yêu cầu tính cấp thiết của công trình này, Kiến trúc sư (KTS) Phan Đức Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP Đà Nẵng cho rằng, hoàn toàn chưa cần thiết.

“Nếu như trong Quy hoạch chung xây dựng Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của TP. Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì trên khu vực sông Hàn, đặc biệt là đoạn từ Cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý không hề có hầm chui. Và thực tế hiện nay, trên đoạn sông chưa đầy 4 km này (tính từ cầu Trần Thị Lý đến hạ lưu sông Hàn) đã có 04 cây cầu mới gồm: cầu Thuận Phước, cầu Quay sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và 01 cây cầu cũ là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Vì vậy, việc xây dựng thêm 01 cây cầu hay 01 đường hầm chui qua đoạn sông này để giải quyết việc ách tắc giao thông có thật sự cần thiết hay không (?!). Trong khi đó, khu vực này lượng dân số đã ổn định và không lớn (khoảng 10 km­2 với 150.000 dân sinh sống, thuộc 3 phường: Nại Hiên Đông, Mân Thái và Thọ Quang). Việc xây dựng sẽ phá vỡ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và làm mất đi không gian, vẻ đẹp của dòng sông Hàn đầy thơ mộng, biến nó trở thành một “con kênh” thu hẹp, chật chội; đồng thời cũng làm xấu đi cấu trúc của một đô thị vốn đã được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi” -KTS Phan Đức Hải nhận định.

Tuy nhiên, KTS Phan Đức Hải cũng giả định, nếu cho rằng trước áp lực giao thông hiện nay và trong tương lai, cần thiết sẽ phải có thêm 01 cây cầu hay 01 hầm chui qua đây thì chắc chắn người dân TP sẽ ủng hộ chủ trương xây dựng cầu hay hầm của lãnh đạo TP. Song, chính quyền và ngành chức năng TP. Đà Nẵng cũng nên cân nhắc việc xây dựng, nhất là xây hầm, bởi phải tốn rất nhiều tiền cho việc thi công, duy tu, bảo dưỡng. Trong khi đó, với số tiền 4.700 tỷ đồng và thậm chí ai dám chắc sẽ không phát sinh cao hơn nữa, thì đây quả là số tiền không hề nhỏ có thể giúp TP xây dựng được nhiều trường học, bệnh viện, bãi đỗ xe, xây dựng nhà cho người nghèo… Do đó, TP cần phải xem xét, huy động lưc lượng để nghiên cứu rõ các phương án và có sự phản biện của các chuyên gia, các thành phần khác trong xã hội về dự án này.

Cũng đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Cửu Loan - Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng chia sẻ thêm: Xuất phát từ yêu cầu về tính thiết thực và hiệu quả sử dụng của đường hầm trên nên mới đây, khi Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ đề án xây dựng hầm chui qua sông Hàn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Đà Nẵng phải bổ sung quy hoạch, trong đó phải làm rõ yêu cầu về sự cần thiết phải xây hầm cũng như một số yêu cầu khác có liên quan….

Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng Nguyễn Cửu Loan 
trao đổi với phóng viên.

“Yêu cầu trên của Thủ tướng Chính phủ là đúng và cần thiết. Chúng tôi không phải là không ủng hộ chủ trương xây dựng hầm của lãnh đạo TP. Đà Nẵng, song với mục đích tham mưu cho lãnh đạo TP nhằm hướng đến sự phát triển của Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại và phồn thịnh. Chúng tôi cũng đề nghị lãnh đạo TP cần cân nhắc và chỉ đạo các ngành có liên quan quan huy động các lực lượng tham gia đóng góp, phản biện để công trình thực sự đáp ứng yêu cầu về tính khoa học và thực tiễn cao.

Hầm chui qua sông Hàn phải đáp ứng yêu cầu gì?

Đây là vấn đề mà nhiều nhà khoa học tại Đà Nẵng hiện rất quan tâm. Trong văn bản số 08/PB-HQH, do KTS Hoàng Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng ký ngày 16/3/2017 gửi Thường trực Thành uỷ, UBND TP và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng “Về việc góp ý dự án đầu tư xây dựng công trình hầm qua sông Hàn” đã cho biết: Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội lần thứ 6 vừa qua, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng đã tổ chức thảo luận và lấy ý kiến góp ý vào dự án hầm chui qua sông Hàn.

Kết quả có 20% ý kiến đề xuất trong điều kiện TP còn quá nhiều việc cần phải đầu tư ngay cho lĩnh vực giao thông, đồng thời nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng cũng như chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hàng năm, nên tốt nhất là TP xây cầu; 80% ý kiến còn lại cho rằng, nên xây hầm nhưng phải đáp ứng các yêu cầu về tính khả thi.

Theo đó, văn bản trên của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng khẳng định rõ yêu cầu từ ý kiến của các nhà khoa học là: Trong phương án xây dựng hầm chui qua sông Hàn nội dung còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng tính khả thi cao như: Vị trí hầm phải nằm trong tổng thể quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất về chủ trương, UBND TP phê duyệt chi tiết (nội dung này chưa thể hiện được); dự án ngoài kết nối mạng lưới giao thông chính của đô thị tại khu vực hai bên bờ sông Hàn cần phải tính đến tính kết nối phát triển của giao thông Đà Nẵng trong tương lai (sự kết nối chuỗi giao thông khi di dời ga Đà Nẵng), nhất là mạng lưới giao thông vành đai và giao thông đối ngoại cũng như đối nội của TP; phải có điều tra, cập nhật số liệu phương tiện tham gia giao thông không phải cho hầm mà phải tính đến sự biến động của lưu lượng phương tiện giữa hai bờ Đông - Tây sông Hàn với bao nhiêu phương tiện qua hầm và có xe tải không?; đồng thời cũng cần tính đến sự phát triển của cảng Tiên Sa trong tương lai, trong đó có tính đến phương tiện vận tải nặng qua hầm; phải tính đến phương án kết nối với quy hoạch mạng lưới giao thông ngầm của TP trong tương lai (có tuyến metro đi qua hay kết hợp 2 trong 1); chưa nêu rõ phương án tái định cư, nhất là khu vực phía Tây sông Hàn và xử lý tác động của môi trường (tiếng ồn, khói bụi…); độ dốc, phương án nút giao thông lập thể như đề xuất hiện nay sẽ làm cho việc lưu thông phức tạp, gây tốn kém cho việc đầu tư.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến trên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng đề xuất với lãnh đạo TP. Đà Nẵng: Nếu phải xây hầm thì dự án trình Thủ tướng Chính phủ phải tính đến sự kết nối mạng lưới giao thông trong quy hoạch tổng thể tương lai và nghiên cứu lại vị trí đường hầm (vì theo tư vấn hiện không phù hợp. Hầm sẽ đi xuyên qua nhiều khu dân cư, xa với điều kiện kết nối cảng và đường vành đai hướng biển phía Bắc - khu vực biển dọc đường Nguyễn Tất Thành). Do đó, nên chọn vị trí gần cầu Thuận Phước có khoảng cách để có lối ra vào đường hầm ở cả hai đầu.

Hầm cần phải giải quyết vấn đề lưu thông của các phương tiện vận tải nặng để dung nạp và giải phóng được lưu lượng hàng hoá từ cảng Tiên Sa đi về hướng giao thông vành đai phía Bắc, đồng thời có ý nghĩa an ninh, quốc phòng. TP cũng phải tính toán và phân tích nhu cầu lưu thông cho các tuyến đường giao với nút hầm và liên quan đến việc di dời nhà ga đường sắt ra khỏi trung tâm TP sắp tới…

Theo Kỹ sư Trần Dân - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng khẳng định: Chỉ khi nào tại điểm vượt sông Hàn không làm được cầu mới nghĩ đến việc làm hầm. Kỹ sư này lý giải: “Làm hầm rất tốn kém lúc xây dựng cũng như khai thác sau này, trong đó, cần lưu ý tham khảo từ chi phí của hầm Hải Vân. Chỉ riêng năm 2015 phải chi hơn 99 tỷ đồng cho công tác bảo trì phục vụ khai thác nó, nếu gặp sự cố thì chi phí còn lớn hơn. Khi làm hầm sông Hàn, TP còn phải xây dựng thêm trạm phát điện dự phòng, trạm thông gió và các bể nước áp lực khổng lồ để cứu hỏa; trạm điều hành… Phức tạp hơn nhiều so với làm cầu.

TP cũng cần tính toán đến bài toán đền bù khi giải tỏa xây dựng hầm là rất lớn và gây xáo trộn nhiều đến đời sống nhân dân các phường như: Thuận Phước, Thọ Quang... vốn đã ổn định từ sau năm 2010 đến nay. Khi đó, ngoài lý do tốn một lượng lớn kinh phí để đền bù giải tỏa thì chưa chắc người dân đã đồng tình. Mặt khác, khi làm hầm thì phá vỡ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quy hoạch sau phá quy hoach trước).

Kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng cho biết, 
 sắp tới ông sẽ có thư gửi đến Thường trực Thành ủy và Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị một số ý kiến đối với dự án xây dựng hầm chui qua sông Hàn.

Liên quan đến kỹ thuật vận hành, sử dụng hầm, Kỹ sư Trần Dân nhận định: Hầm luôn phức tạp hơn cầu, nhất là sau này khi đưa vào khai thác có thể xảy ra các sự cố như: rò rỉ nước, tai nạn, cháy nổ trong hầm… rất khó xử lý và tốn kém. Trong khi đó, theo thiết kế của dự án, đường dẫn vào hầm quá cong là điều không cho phép, độ dốc đến 4% và dài là điều phải hết sức lưu tâm khi khai thác sau này.

Liên quan đến khoản kinh phí xây dựng hầm là 4.700 tỷ đồng, Kỹ sư Trần Dân cho rằng: Đà Nẵng nên lưu ý lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về “trách nhiệm với từng đồng thuế của dân”. Bởi số tiền 4.700 tỷ đồng không hề nhỏ, trong khi thực tế làm xong, chi phí có thể còn đội lên cao hơn nữa. Đây là số tiền quá lớn cho một công trình chỉ phục vụ đi lại cho hai, ba phường của Đà Nẵng là điều chưa xảy ra trên thế giới. Trong khi nhu cầu sử dụng tiền của TP cho các hoạt động cấp thiết khác là rất lớn.

Vì thế, “thay vì Đà Nẵng xây dựng hầm chui qua sông Hàn chưa cần thiết thì nên xây dựng các nút giao thông khác mức, tăng thêm các tuyến xe công cộng bằng nhiều loại phương tiện lớn, nhỏ khác nhau nhằm giảm xe gắn máy, giảm ùn tắc giao thông và tạo thuận tiện cho việc đi lại của học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, công chức, viên chức các cơ quan…  Cùng với đó, trước mắt, TP nên cho xe ô tô qua cầu Rồng và cầu Thuận Phước, còn cầu sông Hàn dành cho xe 2 bánh. Sau này có thêm cầu nữa giữa 2 cầu sông Hàn và Thuận Phước thì sẽ gánh thêm phần ô tô qua sông Hàn, kể cả xe buýt nhanh BRT nếu muốn” - Kỹ sư Trần Dân đề xuất./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực