Có cấm được dạy thêm (?!)

Thứ ba, 05/09/2017 16:16
(ĐCSVN) - Trong nhiều năm qua, báo chí, truyền thông đã có không ít những phản ánh về việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, vấn đề này đã trở thành câu chuyện dài chưa có hồi kết. Cứ đến hẹn lại lên, vào mùa khai giảng hằng năm, vấn đề dạy thêm, học thêm lại góp vào câu chuyện cải cách - đổi mới giáo dục.
Ảnh minh họa  (Nguồn: tuoitre.vn).

Tình trạng dạy thêm, học thêm đã trở thành vấn đề nan giải gây không ít áp lực cho nhiều học sinh và các gia đình ở Việt Nam,... Đây cũng là chủ đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tốn nhiều giấy mực của cơ quan báo chí. Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề này. Vậy đâu là nguyên nhân và liệu nhà chức trách có cấm được việc dạy thêm, học thêm vẫn đang tồn tại song hành ở hệ thống giáo dục phổ thông (?!)

Câu hỏi đặt ra: Tại sao phải dạy thêm và học thêm? Phải chăng chương trình dạy và học chính khóa ở các cấp học phổ thông theo chương trình của Bộ Giáo dục và đào tạo chưa thật hợp lý, dẫn đến việc dạy thêm, học thêm là sự bù đắp tất yếu hay còn khía cạnh nào khác nữa mà các nhà chức trách vẫn chưa có giải pháp căn cơ cho vấn đề này.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của việc dạy thêm, học thêm nếu nó là thực chất, là nhu cầu của xã hội như phân tích của nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập ở các diễn đàn. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, chúng ta không khó để nhận thấy những nảy sinh tiêu cực của việc dạy thêm, học thêm...

Chương trình giáo dục phổ thông của nước ta vẫn được cho là quá tải, còn nặng về kiến thức, chủ yếu là lý thuyết. Học sinh chỉ biết "học" để trả bài, để lấy điểm, thi..., còn "hành" thì gần như chưa có một giải pháp phù hợp để cân bằng với tham vọng truyền thụ kiến thức lý thuyết "khổng lồ" của ngành giáo dục. Với những gì đã và đang hiện hữu thì ngành giáo dục còn thiếu những gì? Thiếu thời gian hay kiến thức, hạ tầng cơ sở vật chất hay giáo viên có chất lượng,… mà hầu như học sinh ở các cấp học phổ thông đều phải học thêm ít hoặc nhiều...

Nhiều học sinh cảm thấy mệt mỏi vì áp lực học tập quá lớn. Ngoài việc học chính khóa ở trường, các em còn phải đến các "lò" dạy thêm. Có hay không, những giáo viên tổ chức dạy thêm đã cắt xén chương trình chính khóa, không dạy hết trách nhiệm trong giờ học chính khóa và chỉ dạy những kiến thức nâng cao, thậm chí dạy trước chương trình ở những lớp học thêm. Nếu như vậy thì chỉ những học sinh đi học thêm mới có thể theo kịp chương trình trên lớp chính khóa và mới đạt được điểm cao khi có bài kiểm tra.

Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, không ít những bày tỏ của cộng đồng: Áp lực với nhiều gia đình không chỉ là chuyện học phí ở các lớp học thêm, vấn đề còn là việc đưa đón con, em đi học thêm. Nhiều gia đình mâu thuẫn, vợ chồng cãi nhau có khi chỉ là chuyện học thêm, chuyện đưa, đón con, em đi học thêm. Họ không muốn cho con, em mình bị quá tải vì chuyện học thêm nhưng đâu đó lại gặp phải rào cản khá lớn đến từ chính những giáo viên hàng ngày vẫn dạy các em trên lớp chính khóa lại tổ chức dạy thêm... 

Đúng là, nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau thì vấn đề dạy thêm, học thêm ngày càng thị trường hơn, nguồn lợi kinh tế ít nhiều đã làm thay đổi bản chất tích cực của nó. Đã có không ít những tranh luận, phân tích về ưu, nhược điểm của việc dạy thêm, học thêm của các nhà nghiên cứu, chuyên gia về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, của những người trong cuộc là các nhà quản lý, giáo viên và học sinh,… cũng như trong nhiều năm qua, báo chí, truyền thông đã có không ít những phản ánh về việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, vấn đề này đã trở thành câu chuyện dài chưa có hồi kết và cứ đến hẹn lại lên, vào mùa khai giảng hàng năm, vấn đề dạy thêm, học thêm lại góp vào câu chuyện cải cách - đổi mới của ngành giáo dục.

Tuy ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới, liên tục cải cách và đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng thiết nghĩ, để cải cách giáo dục thực sự có hiệu quả lâu dài, ngành giáo dục nên tham khảo những nền giáo dục phát triển nhất trên thế giới xem họ đã làm những gì khác ta, cái gì giống ta; liệu họ có gì để chúng ta học hỏi được không(?!). Đồng thời, nên tiến hành một cuộc khảo sát, điều tra trên phạm vi rộng, tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục- đào tạo,… Như vậy, có lẽ chúng ta sẽ có nhìn nhận đầy đủ và khách quan hơn đối với việc dạy thêm, học thêm ở các cấp học phổ thông; từ đó có biện pháp phù hợp, giải pháp căn cơ lâu dài góp phần cho vấn đề cải cách - đổi mới giáo dục toàn diện, chứ như những gì đang diễn ra thì học sinh ở nước ta vất vả quá, học nhiều quá; mà học thêm nhiều khi lại là áp lực lớn hơn chương trình học chính khóa./.

Khắc Trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực