Còn duyên kẻ đón, người đưa …

Thứ ba, 12/01/2010 08:18

(ĐCSVN) - Cuối năm thường là mùa tổng kết. Nhân một cuộc gặp gỡ, chúng tôi những cựu học sinh của một trường lại ngồi với nhau. Họ là những người bạn đồng khóa, cuộc đời có người ở địa vị cao, có người cho đến lúc nghỉ vẫn là “nhân viên thâm niên”. Chúng tôi đến với nhau bình đẳng, nghĩa tình và lại bàn toàn chuyện nghĩa tình.

Câu chuyện đang rôm rả thì K – một ông “cốp” một thời xe đưa, xe đón – thở dài, giọng buồn buồn:

- Mình thấy sao thời nay đời sống lên mà nghĩa tình xuống quá các cậu ạ.

Mọi người quay lại nhìn K với những cặp mắt ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi vì gia cảnh của K có gì đáng buồn đâu. Vợ chồng thành đạt, con cái học hành, nghề nghiệp đều “ngon lành”. Vậy thì K buồn vì điều gì? Thấy mọi người nhìn mình với vẻ ngạc nhiên, K nói như thanh minh:

- Điều mình buồn chắc các cậu cũng thấy cả. Nói về cá nhân, gia đình mình thì miễn bàn. Nhưng buồn cho thời cuộc. Các cậu có thấy không? Ở khu ta nếu như vài năm trước thì nhà anh X, chị T, chị M… người ta phải sắp hàng để vào “chúc mừng năm mới”. Vậy mà năm nay, nghe đâu các anh chị ấy sắp có thông báo nghỉ hưu thì các cậu xem, nhà họ cũng đã vắng như nhà chúng ta. Họ làm như những anh chị ấy sắp nghỉ hưu thì không cần mừng năm mới nữa. Đó là hiện tượng gì?

Ngồi đằng sau K, anh N bỗng bật lên một tiếng cười giòn:

- Tưởng cậu phát hiện ra điều gì mới chứ điều đó thì đã “xưa như trái đất”. Đâu có chờ đến mấy vị ấy sắp có thông báo nghỉ hưu mà mấy ông “bạn cố tri” của các vị ấy đã “chuyển làn” từ khi nghe phong thanh đã có người chuẩn bị thay trong kỳ bầu cử mới. Giờ đây họ lại đang sắp hàng ở cửa các ông bà vừa có tên trong quy hoạch khóa tới để “chúc mừng năm mới” rồi. Họ mừng là mừng cho chính họ chứ đâu có mừng cho các anh chị ấy.

Câu chuyện nghĩa tình, thật đã bỗng trở nên rôm rả. Chuyện ông Y khi mới lên chức kêu than nỗi khổ là họp cuộc nào, ngồi ở đâu cũng bị “moi ra” để chĩa máy vào “đặc tả”. Khổ đến mức vợ con kêu “ông làm gì mà bà con lối xóm gặp cứ nói ông ngày nào cũng làm việc trên ti vi”. Nhưng khi có tin ông ấy sắp nghỉ thì đi họp có ngồi hàng đầu thì máy quay cũng vội “bỏ qua”. Rồi chuyện các tay chuyên “săn tin” các “ghế” mới để lập quan hệ, dịp này cứ dỏng tai lên để nghe ngóng, nghe ngóng được rồi lại “đi tắt đón đầu”. Vì thế mà có nhà một vị, vợ con chưa biết gì về chuyện lên xuống của ông xã, thấy người đến đông, chuyện xưa nay chưa có ở nhà mình, lại hoảng lên tính đi báo với an ninh dân phố.

Nói cười một trận cho vui. Nhưng sau những mẩu chuyện, những tràng cười là nỗi buồn thế sự. Thì ra K nói đúng, thời nay đời sống lên nhưng “nghĩa tình xuống quá”. Bên cạnh những tấm lòng chân thành thì không ít hành động vụ lợi. Bên cạnh những ông bạn già tìm đến nhau để kể lại “một thời không quên” dù chỉ bên ấm trà đơn sơ thì cũng có những bữa tiệc bạc triệu, bạc chục triệu nhưng người chi tiền ra cũng chỉ mong tạo được một “mắt xích” mới cho món lời hàng tỷ đồng sắp tới chứ tuyệt nhiên không nghĩa tình, thậm chí người mời trước đó không biết người được mời sống ở đâu, gia cảnh thế nào.

Tất nhiên, lớp bạn già trọng tình, trọng nghĩa nhưng đã nghỉ hưu, chúng tôi chỉ ngồi bàn luận với nhau thôi. Tin rằng các đồng chí đang làm và sắp được Đảng và dân cử vào các trọng trách của đất nước nhìn rõ hơn chúng tôi. Bởi họ, trước khi được bầu cử vào những vị trí trọng yếu đều đã được rèn luyện trong phong trào quần chúng, sinh hoạt hàng ngày với quần chúng, được quần chúng chỉ cho biết ai là người tốt, ai là những kẻ xu thời. Từ ngàn xưa cha ông ta đã cảnh báo một hiện tượng:

“Còn duyên kẻ đón người đưa

Hết duyên, đi sớm, về trưa mặc lòng.”

Chắc người xưa cảnh báo cái duyên tình nghĩa đối với các cô gái một thời xuân sắc. Nhưng nay, đây là sự cảnh báo một nguy cơ suy thoái tình người, tình đồng chí, đồng nghiệp. Xin các tổ chức và cá nhân hãy cảnh giác. Xin các đồng chí, đồng nghiệp hãy trọng lấy cái nghĩa tình. Đừng thấy “kẻ đón, người đưa” mà quên đồng bào, đồng chí, quên chức phận của mình là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Một số kẻ đang “đi tắt, đón đầu” đó. Hãy cảnh giác với họ ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực