Công khai sự giàu có...

Thứ tư, 07/03/2018 19:51
(ĐCSVN) - Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân muốn công khai sự giàu có để cổ vũ, khuyến khích mọi người cùng khởi nghiệp và làm giàu, nhưng cũng còn số ít chưa hoặc không muốn công khai sự giàu có để tránh những hệ lụy...​

Tỷ phú Trần Đình Long, Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương (từ trái qua).
 (Ảnh: vnexpress.net)

Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018. Theo đó, Việt Nam năm nay có 4 đại diện sở hữu tài sản tỷ USD, tăng 2 tỷ phú so với năm ngoái. Đó là các tỷ phú: Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Đình Long, Trần Bá Dương.

Số lượng tỷ phú của nước ta tăng thêm, ngoài trí tuệ, nỗ lực phấn đấu của các tỷ phú, còn chứng minh cơ chế, chính sách của nước ta không ngừng đổi mới với mục đích kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và làm giàu.

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân muốn công khai sự giàu có để cổ vũ, khuyến khích mọi người cùng khởi nghiệp và làm giàu, nhưng cũng còn số ít chưa hoặc không muốn công khai sự giàu có để tránh những hệ lụy...

Doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được đề cao, nhưng trong cách nghĩ của một số người vẫn kỳ thị với không ít doanh nghiệp, doanh nhân, vẫn coi họ là những “con buôn”, luôn làm mọi cách để kiếm lời. Thực ra, số doanh nghiệp, doanh nhân kiếm tiền bằng mọi giá, làm giàu bất chính là có nhưng chỉ là con số rất nhỏ, còn lại đa số đều làm giàu bằng trí tuệ, bằng mồ hôi nước mắt...

Đã đến lúc phải thay đổi tận gốc nhận thức về sự giàu có và người giàu, về doanh nghiệp, doanh nhân. Doanh nghiệp lập ra để kinh doanh suy cho cùng vẫn là vì lợi ích của cộng đồng, của xã hội, của đất nước, dù mục tiêu ban đầu là làm giàu cho chính mình.

Doanh nghiệp mang lại việc làm cho người lao động, doanh nghiệp đóng thuế để Nhà nước chăm lo cho người dân và xã hội, xóa đói giảm nghèo... Số liệu gần đây cho thấy, riêng nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, hàng năm đóng góp khoảng 45% vào GDP và 31% tổng số thu ngân sách nhà nước. Đó là những con số ấn tượng và đáng trân trọng.

Muốn đất nước phát triển thì phải có nhiều doanh nghiệp mạnh, đó là điều không phải bàn cãi. Nhìn sang Hàn Quốc, từ 30 năm cuối thế kỷ XX, họ xác định phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là quốc sách và cụ thể hóa bằng một hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua các biện pháp giúp doanh nghiệp hiện đại hóa thiết bị và công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, có hệ thống ngân hàng với sự đầu tư của Chính phủ…Và kết quả cho thấy, Hàn Quốc phát triển rất mạnh một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng chiến lược cơ bản như: Đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm… hướng tới phát triển nền kinh tế dựa trên hệ thống doanh nghiệp mạnh của chính Việt Nam, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững. Và như vậy sẽ có thêm nhiều người giàu, nhiều tỷ phủ công khai tài sản của mình một cách minh bạch, xã hội có thể kiểm đếm sự đóng góp của họ đối với sự phát triển của đất nước để trân trọng và biết ơn./.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực