Đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp phát triển đất nước

Thứ sáu, 30/04/2010 22:31
 

Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập

 sáng ngày 30/4/1975

(ĐCSVN)
- Chấm dứt 30 năm chiến tranh trường kỳ, gian khổ, khốc liệt bằng thắng lợi hoàn toàn ngày 30-4-1975 là một kỳ tích trong lịch sử dân tộc, một mốc son vẻ vang của đường lối cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Đại thắng mùa xuân năm 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử còn là chiến thắng của lòng yêu nước Việt Nam, của tinh thần dân tộc Việt Nam thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

35 năm đã qua kể từ ngày ấy. 35 năm đầy thử thách cam go, có thất bại và có thành công, có niềm vui to lớn và cũng có cả nhưng trăn trở suy tư nhưng nhìn suốt chiều dài lịch sử, đó là một biểu đồ đi lên khiến mỗi người Việt Nam có thể ngẩng cao đầu tự hào. Trong niềm tự hào đó, bên cạnh sự phát triển vượt bậc về kinh tế, đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập với thế giới, đưa nước ta từng bước trở thành một nước độc lập và phát triển, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, không thể không nhắc đến những nỗ lực to lớn để hàn gắn các vết thương của 30 năm chiến tranh, hòa hợp dân tộc Việt Nam trên đường phục hưng đất nước.

Hơn 3 triệu người hi sinh, trong đó có hàng vạn người chưa tìm được hài cốt. Hàng chục triệu người thương tật, hàng triệu gia đình tan nát, ly tán. 4 triệu người bị di chứng chất độc da cam. 800.000 tấn bom mìn chưa nổ còn nằm trong lòng đất… là những nỗi đau không dễ lành ngày một, ngày hai. Cùng với những vết thương trên cơ thể và trong thiên nhiên còn có những vết thương trong tâm thức. Khi tuyệt đại đa số đồng bào ta từ Nam chí Bắc hân hoan chào đón ngày giải phóng, thống nhất đất nước thì không ít người vì lo sợ bị trả thù, vì tuyệt vọng, vì mặc cảm thua trận đã bỏ đất nước ra đi, mang trong lòng sự thù hận tưởng không bao giờ nguôi. Gần một chục năm sau chiến tranh, đất nước lâm vào thiếu thốn, khủng hoảng, gần 2 triệu người nữa cũng vượt biên tìm đường ra nước ngoài. Từ đó hình thành những cộng đồng người Việt Nam đa dạng, phức tạp. Nhưng dù ở đâu, dù chính kiến thế nào thì họ cũng vẫn là người Việt Nam, nặng lòng với quê hương đất nước, luôn hướng về quê cha đất tổ, đó là lý do sâu xa khiến hòa hợp, đoàn kết dân tộc trở thành một đòi hỏi tự nhiên, một xu thế tất phải đến của lịch sử.

Đặt lợi ích lâu dài của dân tộc lên trên, Nhà nước và hàng triệu gia đình, hàng chục triệu con người đã kiên trì thực hiện nhiều chính sách, nhiều việc làm thiết thực nhằm xóa mặc cảm, khép lại quá khứ, đoàn kết dân tộc, cùng chung vai xây dựng đất nước. Vết thương trong tình cảm, trong nhận thức cũng như vết thương trên da thịt, không dễ lành ngay nhưng rõ ràng là hố sâu chia rẽ đang thu hẹp lại, nhiều mặc cảm đã lui vào dĩ vãng, nhu cầu hòa hợp, đoàn kết đang lớn dần. Những tiếng nói và việc làm cố tình chống lại đất nước ngày càng ít đi và cũng ngày càng ít người nghe. Thế hệ trẻ lớn lên nơi đất khách vừa gắn bó với nước sở tại vừa có nguyện vọng được biết, được đóng góp cho quê hương đất nước. Dòng người về thăm, về tìm cơ hội đầu tư, về tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động nhân đạo, làm ăn, định cư lâu dài ngày càng nhiều. Dòng kiều hối tăng đều hằng năm. Nhiều thành tựu khoa học, ý tưởng táo bạo, ý kiến đóng góp chân thành của Việt kiều đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển đất nước. Sự thành đạt tại nước ngoài của nhiều người gốc Việt cũng tăng thêm niềm phấn khởi, tự hào về dòng giống Việt cho đồng bào trong nước. Những cuộc gặp gỡ đầm ấm, những lời nói chân tình và hơn hết là những việc làm giàu ý nghĩa đang từng bước góp phần khắc phục, khỏa lấp, làm dịu lại nỗi buồn chiến tranh với sự cố gắng vô cùng to lớn của Nhà nước và của cả xã hội.

Việt Nam ngày nay ngày càng nổi lên như một hình mẫu nhân văn khép lại quá khứ, hòa hợp dân tộc và hạnh phúc của con người./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực