Đám cưới, đôi điều suy ngẫm

Chủ nhật, 11/04/2010 09:17

(ĐCSVN) - Với sự phát triển nhanh của nền kinh tế nước ta, kinh tế của nhiều gia đình trong những năm gần đây đã trở nên khá giả. “Có của ăn, của để” thì việc tổ chức ngày trọng đại cho con, em mình cũng rất đa dạng. Cùng với đó là những dịch vụ ăn theo đám cưới, đám hỏi hết sức thuận tiện nhưng cũng khá tốn kém.

Ở thành phố Bắc Ninh cũng như cả nước, vào những ngày này được gọi là “mùa cưới”. Người dân Kinh Bắc quê tôi cũng đã có những đổi mới trong việc cưới, hỏi. Nếu như hơn chục năm về trước, mỗi khi gia đình nào tổ chức lễ thành hôn cho con, em mình thì họ hàng, làng xóm phải đến giúp đỡ, người giúp việc bếp núc, nấu nướng, người kiêm việc mua sắm thực phẩm... Nhưng nay thì đã khác, gia chủ chỉ cần đến nhà hàng, khách sạn hoặc những nơi làm dịch vụ cưới hỏi trọn gói là yên tâm. Mâm cỗ cũng rất đa dạng tuy từng loại, từng món. Nhưng thời điểm này thì mỗi mâm cỗ 6 người ăn, gia chủ phải chi trả dao động từ 700.000 – 800.000 đồng/mâm. Chỉ nhẩm tính, mỗi đám cưới tổ chức từ 80 – 100 mâm cỗ tuỳ điều kiện, hoàn cảnh và quan hệ xã hội của gia chủ, đã tiêu tốn tới bảy, tám chục triệu đồng, chưa kể cá biệt có những đám tổ chức tới gần hai trăm mâm cỗ, kéo theo sáu, bảy trăm người đến dự. Ở thành phố Bắc Ninh thời điểm hiện nay, người được mời đi dự đám cưới cũng phải “xuống sổ” mức trung bình từ 200.000 đồng trở lên, những người “mừng 100.000 đồng” hẳn thấy mặc cảm với số tiền mừng cưới. Nhiều gia đình trong những ngày được coi là “ngày đẹp” thì cả nhà phải phân công nhau đi ăn cưới, số tiền “mừng” lên tới tiền triệu. Mỗi khi nhận được tấm thiếp mời thì thay bằng vui mừng lại là sự lo lắng “Lo lấy khoản gì để đi ăn cưới”. Nhưng rồi cũng “lo” được và tự nhủ “thôi thì vì tình cảm, quan hệ, với lại mình đi người ta, sau này người ta lại đến với mình...”. Phải chăng, đó là món nợ “đồng lần ”?

Được biết, lễ cưới của một số nước trên thế giới tổ chức rất gọn nhẹ, tiết kiệm. Trong thời kỳ hội nhập, dân ta học rất nhanh văn hoá của nước ngoài như cách ăn, mặc, sinh hoạt...Thế sao không học theo họ cách tổ chức đám cưới, đám hỏi. Nhẩm tính mỗi năm, cả nước có đến vài chục nghìn đôi uyên ương tổ chức cưới thì người dân đã phải chi phí tốn kém tới con số nhiều tỷ đồng. Trong lúc đất nước còn nghèo, người dân còn gặp rất nhiều khó khăn thì việc tổ chức cưới hỏi như thế, thật khiến nhiều người phải suy nghĩ?

Ngày 25 tháng 11 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 308/2005/QĐ - TTg ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Thiết nghĩ, trong việc tổ chức việc cưới, hỏi theo nếp sống văn minh cần có sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương.... Bởi đây là lực lượng tiên phong trong thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; từ đó làm cho nhân dân thấy việc tổ chức ngày vui cho con, em mình sẽ không là nỗi lo cho nhiều gia đình khác. Mỗi gia đình nên có nhận thức đúng đắn hơn nữa trong việc tổ chức cưới hỏi, thay vì tổ chức linh đình bằng một đám cưới giản dị, ấm cúng cho con em mình để hạnh phúc trăm năm của những gia đình trẻ được trọn vẹn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực