Học nước ngoài giải bài toán ùn tắc giao thông!

Thứ năm, 14/03/2019 17:15
(ĐCSVN) –Cán bộ, công chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, được dư luận rất quan tâm và mong chờ, đó là xem họ học được gì mang về vận dụng vào Việt Nam? Câu chuyện này được cán bộ lãnh đạo TP Hà Nội chia sẻ, với quyết tâm cao để đưa Hà Nội không còn ùn tắc giao thông.

Hà Nội cần nhiều giải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Trước đó, để chuẩn bị vận hành tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã tuyển dụng 681 lao động Việt Nam, trong đó 201 người được đưa đi học ở Trung Quốc.

Ngày 07/12/2018, tại cuộc làm việc của lãnh đạo thành phố Hà Nội với Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nêu, hiện chúng ta đang thiên về quy hoạch mà thiếu quản lý kiến trúc… “Chiếu sáng đô thị chưa có nghiên cứu bài bản cụ thể. Thiết kế điểm nhấn đô thị từng khu vực chưa có, đi nước ngoài cứ khen đẹp thế nhưng ở ta hoàn toàn chưa có”, ông Nguyễn Thế Hùng nói.

Và gần đây, ngày 09/3/2019, tại cuộc làm việc của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở Giao thông vận tải (GTVT), Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng chia sẻ, khi đi nước ngoài, ông thấy trên thế giới đang quay lại hệ thống giao thông nội đô. Hiện nay Úc, Tây Âu bắt đầu quay lại tàu điện (tramway) chạy trên mặt đất mà bánh cao su rất hiện đại, thi công nhanh, chiếm diện tích đất ít.

Ông Nguyễn Thế Hùng cho hay, tàu điện ở các nước đi rất nhiều, vé lại rẻ và đề nghị Bí thư Thành uỷ cho Sở GTVT đi nghiên cứu và đề xuất làm ở một vài tuyến. Khi có hệ thống này cùng với vận tải công cộng sẽ kéo giảm lượng xe máy.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT cho biết: Lộ trình cấm xe máy ở Bắc Kinh, Thượng Hải là từ 3 đến 5 năm, với Hà Nội chúng tôi đặt ra lộ trình là 12 - 13 năm.

Theo ông Vũ Văn Viện, xe máy tuy thuận tiện nhưng có quá nhiều thì không chỉ gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Nếu không kiểm soát được xe máy, đến một lúc nào đó thiệt hại từ ùn tắc giao thông sẽ để lại hậu quả hết sức nặng nề cho TP Hà Nội.

Cùng với cấm xe máy, Hà Nội cũng sẽ hạn chế ô tô cá nhân vào nội đô thông qua các giải pháp kinh tế.

Theo ông Vũ Văn Viện, đi xe máy ở nước ta hiện nay giống như Trung Quốc cách đây từ 10 - 15 năm, do vậy để thay đổi cần có giải pháp đồng bộ, trong đó có vấn đề phát triển vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

“Chúng tôi có nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) thấy lộ trình của họ là từ 3 - 5 năm. Với tình hình Hà Nội, chúng tôi đặt ra lộ trình dài từ 12 - 13 năm, khi đủ điều kiện thì mới cấm”, ông Viện khẳng định.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, khi cấm xe máy, người dân sẽ phải đi bộ nhiều hơn, đi sớm hơn. Có thể thời gian đi lại dài hơn nhưng ở trên phương tiện công cộng chứ không phải do ùn tắc ở ngoài đường. Khi lượng xe máy giảm sẽ tạo điều kiện cho phát triển vận tải công cộng tốt hơn, nhanh, thuận tiện hơn.

Ông Vũ Văn Viện dẫn chứng tuyến BRT Hà Đông - Giảng Võ được đầu tư rất tốt, có khả năng vận chuyển lớn, tốc độ nhanh nhưng do phương tiện cá nhân quá nhiều nên chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.

“Nếu đủ điều kiện để dừng hoạt động xe máy ở tuyến đường BRT chắc chắn có thể tăng tần suất hoạt động của buýt nhanh. Lúc đó chạy từ Hà Đông lên tới Kim Mã chỉ mất từ 10 - 15 phút, rất an toàn và thuận lợi”, ông Vũ Văn Viện nói.

Trong khi đó, dư luận cho rằng, nhận định, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông nội đô là đúng, nhưng phương tiện công cộng phải tốt, hạ tầng phải mở rộng, đường thông, hè thoáng. Thực tế, hiện nay Hà Nội vẫn chưa đưa được tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm nào vào khai thác, trong khi đối với thành phố trên 10 triệu dân thì đây phải là huyết mạch giao thông đô thị.

Theo Đề án Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.Hà Nội hướng tới xây dựng hệ thống GTVT hoàn thiện, đáp ứng được các tiêu chí: Bền vững, đồng bộ, hiện đại. Đề án nêu rõ, để khắc phục hàng loạt bất cập đang tạo áp lực lên hệ thống giao thông Thành phố, Hà Nội sẽ  tập trung phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20 - 26% cho đô thị trung tâm và đạt 18 - 23% cho các đô thị vệ tinh. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3 - 4%. Hà Nội cũng tập trung cải tạo và xây dựng mới 185 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với đường ngang, xây dựng mới 11 cầu cộng với 6 cầu hiện hữu vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội... Cùng với đó là 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm; 8 tuyến xe buýt nhanh; 11 tuyến cao tốc, 8 quốc lộ và 02 đường vành đai liên vùng nối giao thông từ Thủ đô đi các phía.

Người dân rất mong muốn với những quy hoạch GTVT đó của Hà Nội cùng với những kiến thức đã được học tập, nghiên cứu ở nước ngoài vận dụng vào công tác quản trị, giải quyết những bất cập để phát triển giao thông Hà Nội tốt hơn. Đây không chỉ là bài toán kinh tế đối với Hà Nội mà còn là hướng tới vị thế của một Thủ đô Hà Nội văn hiến, vì hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế./.

NM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực