Liên kết nông dân và hợp tác xã – mối quan hệ hữu cơ cùng phát triển

Thứ ba, 27/03/2018 16:17
(ĐCSVN) – Liên kết hợp tác trong sản xuất là một xu thế tất yếu khách quan của quá trình phát triển đối với bất cứ một nền kinh tế nào trong thời kỳ hội nhập. Đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết hợp tác giữa nông dân với hợp tác xã là cần thiết và quan trọng.

Việc đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp để thu hút đại bộ phận số đông người nông dân tham gia liên kết với hợp tác xã càng cần thiết hơn (Ảnh: V.T)

Khi tham gia sản xuất trong nền kinh tế thị trường, người nông dân với vai trò vừa là người tiêu thụ sản phẩm, vừa là người sản xuất sản phẩm hàng hóa dù muốn hay không đều phải chịu sự tác động bởi các quy luật của nền kinh tế thị trường. Một trong những quy luật tác động trực tiếp đến lợi nhuận khi sản phẩm hàng hóa nông nghiệp sản xuất ra đó là quy luật cung cầu. Người nông dân phải sản xuất ra những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Khi nhu cầu của thị trường cao, sản phẩm nông nghiệp không đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì sản phẩm đó có giá cao thậm chí rất cao.

Theo chiều ngược lại, nếu nhu cầu của thị trường thấp mà hàng hóa người nông dân sản xuất ra nhiều thì giá sẽ xuống thấp, thậm chí xuống dưới mức giá thành sản phẩm. Khi sản xuất hàng hóa, người nông dân phải mua những nguyên liệu đầu vào từ thị trường và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp do mình sản xuất ra.

Trong thực tiễn, người nông dân Việt Nam đều mua nguyên liệu đầu vào từ những nhà cung cấp như hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã và các doanh nghiệp để phục vụ sản xuất. Đồng thời bán sản phẩm nông nghiệp cho tư thương, cho hợp tác xã và các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn. Nông dân với vai trò là người sản xuất hàng hóa nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường đang có mối quan hệ tự nhiên và ràng buộc chặt chẽ với tư thương, với hợp tác xã và với doanh nghiệp.

Trong các mối quan hệ trên, mối quan hệ giữa người nông dân với hợp tác xã luôn được xác định là mối quan hệ đồng hành cùng phát triển. Thị trường tạo ra một phân khúc liên kết, hợp tác giữa người nông dân và hợp tác xã mà các loại hình doanh nghiệp khác không thể thực hiện một cách tốt hơn. Mối quan hệ giữa nông dân và hợp tác xã là mối quan hệ liên kết, tương tác qua lại với nhau để cùng tồn tại và phát triển trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường. Các quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường buộc người nông dân phải liên kết với hợp tác xã và hợp tác xã với tư cách là một loại hình doanh nghiệp hoạt động vừa phải bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, nhưng lại chứa đựng yếu tố xã hội sâu sắc, nếu thiếu vắng sự hợp tác của người nông dân thì hợp tác xã không thể tồn tại và phát triển. Quan hệ giữa nông dân và hợp tác xã là mối quan hệ hữu hữu cơ trong nền kinh tế thị trường, hợp tác xã là bệ đỡ cho kinh tế hộ nông dân và nông dân là điểm tựa, là mục tiêu để hợp tác xã phát triển.

Có thể thấy, mối quan hệ giữa hợp tác xã với thành viên là mối quan hệ tương tác hai chiều, thành viên cần hợp tác xã để được cung cấp các dịch vụ tiện ích đầu vào và thành viên là điểm tựa để hợp tác xã phát triển. Hay nói cách khác, mối quan hệ giữa nông dân với hợp tác xã và hợp tác xã với nông dân chính là mối quan hệ hữu cơ trong nền kinh tế thị trường hoặc là mối quan hệ hữu cơ hai trong một.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trước thực trạng nền kinh tế đất nước đang hội nhập một cách sâu rộng với nền kinh tế thế giới, đó là, cánh cửa hội nhập mở rộng, mở ra cơ hội cho việc xuất khẩu hàng hóa đến với các thị trường lớn. Đồng thời, thị trường trong nước cũng sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt khi mở cửa hội nhập khi hàng hóa của các nước sẽ xuất khẩu vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Bởi thế, để giúp cho người nông dân thành công trong quá trình hội nhập thì vấn đề đặt ra cần một giải pháp đồng bộ cho việc tăng cường sự liên kết hợp tác giữa nông dân và hợp tác xã. Xây dựng thành công mối liên kết giữa người nông dân với hợp tác xã chính là xây dựng mối liên kết ngang giữa những người nhà sản xuất, đây là yếu tố tiền đề để xây dựng mối liên kết dọc tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Đồng thời đây cũng là giải pháp quan trọng để khắc phục những khiếm khuyết trong xây dựng mối liên kết bốn nhà hiện nay./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực