Môi giới bất động sản phải chuyên nghiệp, minh bạch

Thứ hai, 04/07/2016 17:40
(ĐCSVN) – Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam khẳng định khi trao đổi với báo chí về nghề môi giới bất động sản và vai trò cầu nối khiến doanh nghiệp gần hơn với thị trường.


Nghề môi giới bất động sản đang hướng tới môi trường chuyên nghiệp và minh bạch hơn (Ảnh: HNV)

Ông Đính cũng thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn một số người chưa có cái nhìn thiện cảm về ngành nghề này. Trong mắt họ, người môi giới bất động sản thường được ví như "cò đất" để ám chỉ sự không chuyên nghiệp, không trung thực trong giao dịch với khách hàng. Đồng thời trong mắt khách hàng những người môi giới nhà đất thường cơ hội hay chụp giật nhằm thu lợi cho bản thân mình.

Nhưng cũng phải khẳng định khách quan một điều rằng nghề môi giới BĐS là một nghề nghiệp góp phần làm gia tăng sự phát triển của thị trường BĐS và làm gia tăng lợi ích của các bên tham gia thị trường môi giới BĐS.

Thực tế, ở Việt Nam, nghề môi giới BĐS đã xuất hiện từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, sau khi Luật Đất đai 1993 được ban hành. Các nhà môi giới BĐS Việt Nam thời kỳ đó hoạt động tự phát, đơn lẻ, không qua đào tạo về kiến thức chuyên môn, vì vậy hoạt động môi giới hoạt động không chuyên nghiệp. Phải đến sự kiện ngày 29/6/2006, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh BĐS 2006, trong đó quy định: Môi giới BĐS là hoạt động kinh doanh dịch vụ BĐS, môi giới BĐS mới chính thức bước vào lãnh địa hoạt động theo hướng bền vững, chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Ngày môi giới BĐS ở Việt Nam đã được pháp luật chính thức thừa nhận và được quy định tại Luật Kinh doanh BĐS năm 2006 do Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006. Tuy nhiên, vẫn còn những định kiến đánh đồng nghề môi giới với “cò đất”.

Cho tới nay, lực lượng môi giới BĐS đã khẳng định được vai trò ngày càng quan trọng trong việc thị trường BĐS phục hồi, phát triển lành mạnh. Thống kê chưa đầy đủ của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, hiện có khoảng 30.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS. Những năm gần đây, vai trò và tầm ảnh hưởng của môi giới ngày càng thể hiện rõ nét trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực này. Họ không chỉ là chất xúc tác giúp các giao dịch thành công, thúc đẩy thị trường phát triển, mà còn là chủ thể cung cấp thông tin của thị trường.

Xét đến cùng, môi giới BĐS góp phần hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển thị trường, cung cấp dịch vụ của thị trường và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS và người dân. Do đó, nhà môi giới BĐS phải có đủ năng lực, điều kiện để giải quyết các công việc liên quan đến các bên mua và  bên bán BĐS. Hoạt động môi giới BĐS là một ngành nghề kinh doanh hợp pháp, được nhà nước Việt Nam công nhận theo Luật Kinh doanh BĐS. Nhà môi giới bất động sản được đào tạo bài bản, có đủ kiến thức chuyên môn và phải được cấp chứng chỉ hành nghề.

Những năm gần đây, nghề môi giới BĐS đã thể hiện rõ hơn vai trò quan trọng của họ, góp phần làm cho thị trường BĐS tốt hơn. Đặc biệt trong những năm thị trường khó khăn, xuất hiện nhiều hàng tồn kho thì lực lượng môi giới đã có những hoạt động cụ thể. Thông qua trí tuệ, kinh nghiệm và nghiệp vụ những nhà môi giới đã kết nối những dự án đóng băng, những dự án có nhiều hàng tồn kho, nhanh chóng giải tỏa, đưa sản phẩm bất động sản tới người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất. Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, nghề môi giới BĐS hiện nay đã có nhiều tiến bộ so với 4-5 năm trước.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh BĐS cũng đã có những sửa đổi để phù hợp với xu thế phát triển của thị trường. Với quy định mới này bắt buộc các tổ chức, cá nhân tham gia môi giới BĐS phải được cấp chứng chỉ hành nghề. Quy định này đã góp phần minh bạch các hoạt động kinh doanh BĐS, tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường, do đó tính chuyên nghiệp của người làm môi giới BĐS cũng từng bước được khắc phục và nâng cao hơn.

Thêm nữa, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và hội nhập ngày càng sâu rộng, xu thế thị trường ngày càng phải minh bạch, lành mạnh, sự cạnh tranh theo đó cũng khốc liệt hơn. Do đó, những ai muốn lựa chọn nghề môi giới BĐS đều phải xác định “muốn tồn tại thì phải có kiến thức và đạo đức nghề nghiệp”.

Tổng thư ký Nguyễn Văn Đính dự báo, mức độ cạnh tranh của người làm nghề môi giới năm 2016 sẽ rất gay gắt. Bởi nếu như năm 2015, các sàn giao dịch và những người tham gia môi giới BĐS đã có một năm khá thuận lợi khi nguồn cầu tăng nhanh do bị dồn nén trong các năm thị trường đóng băng, thì năm 2016, nguồn cầu này sẽ tăng chậm lại, trong khi nguồn cung tại các dự án mới khởi động trong năm 2015 lại tăng nhanh. Bên cạnh đó, với việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), những nhà môi giới của các nước sẽ cùng tham gia hoạt động môi giới BĐS tại Việt Nam. Điều này có thể khiến thị phần của các đơn vị môi giới trong nước bị thu hẹp, nhưng nó cũng mở ra những cơ hội mới cho những nhà môi giới đủ năng lực vươn ra thị trường khu vực. Về cơ bản, sự cạnh tranh ở trên tất cả các phương diện của thị trường, trong đó có hoạt động của các nhà môi giới BĐS đều có ý nghĩa thúc đẩy thị trường BĐS phát triển và minh bạch hơn.

Liên quan tới Hội môi giới BĐS Việt Nam, theo ông Đính, để thay đổi cách nhìn nhận của người dân về ngành nghề này, trong thời gian tới, Hội sẽ liên kết với các cơ sở đào tạo để phối hợp tổ chức việc đào tạo lại và đào tạo sâu hơn, nâng cao trình độ chuyên môn của những người làm nghề môi giới đồng thời tạo ra trình độ nghề môi giới bất động sản Việt Nam tốt hơn, sánh được với những nước trong khu vực đã có thị trường BĐS phát triển như Thái Lan, Singapore, Malaysia… Đồng thời, Hội cũng sẽ truyền tải các công cụ hỗ trợ lên cổng thông tin, website giúp người làm nghề môi giới trao đổi, hoạt động thông qua hệ thống công nghệ điện tử để họ kinh doanh tốt hơn, hướng đến chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả./.

Lê Anh (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực