Một quyết định hợp lòng người

Thứ ba, 20/04/2010 11:15

                          Ảnh minh họa
(ĐCSVN)
- Việc Biểu thuế khai thác tài nguyên do Bộ Tài chính, được sự ủy quyền của Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa bị gác lại do mức tăng còn thấp, chỉ hơn 3% so với hiện tại dễ dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước được đánh giá như một quyết định thể hiện ý thức bảo vệ tài nguyên đã được nâng lên một bước ở những người có quyền quyết định vấn đề này.

Sự nâng cao trong ý thức bảo vệ tài nguyên có một vai trò hết sức quan trọng vì lâu nay, do ý thức chưa cao nên nhiều phạm vi trong lĩnh vực tài nguyên chưa được thể hiện đầy đủ trong luật, thậm chí nhiều vấn đề đã được luật qui định nhưng vẫn không được tuân theo nghiêm túc. Than đá bị đào bới, bán lậu hàng chục năm nay. Nước bị làm ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Đất chịu lửa, ben tô nít, cát, sỏi, đất sét làm gạch, thạch cao... bị khai thác vô tội vạ. Đá quí, vàng, bạc, thạch anh bị khai thác trái phép, nhất là vàng bị khai thác ở hàng trăm điểm, không chỉ thiệt hại về tài nguyên mà còn gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại đất đai. Nhiều loại khoáng sản không tái tạo khác như ti tan, vonfram, măng gan, đồng, cromit... bị khai thác lậu và xuất lậu. Hầu hết các sản phẩm khoáng sản của ta, từ dầu thô cho đến muối ăn đều xuất khẩu dưới dạng thô, giá rẻ mạt, nhiều lô hàng được nước nhập khẩu cất làm nguyên liệu dự trữ cho nhiều thập kỷ sau. Hậu quả của tình trạng buông lỏng trong khai thác tài nguyên, trong xuất khẩu tài nguyên nửa thế kỷ qua khiến cho nhiều tài nguyên của nước ta đã vào giai đoạn cạn kiệt. Nước sạch trở nên hiếm và Việt Nam đã bị xếp vào danh sách các quốc gia thiếu nước, đang bị sa mạc hóa. Than ngày càng phải xuống sâu và có những loại than phải lên kế hoạch nhập khẩu. Muối thừa ế nhưng muối chất lượng cao đã phải nhập từ nhiều năm nay. Các mỏ vàng, mỏ kim loại quí, mỏ đá quí đã rơi vào tình trạng không thể bảo vệ nổi. Trong khi tài nguyên bị bòn rút với thuế khai thác, thuế xuất khẩu quá rẻ thì hiện đang có 4.000 giấy phép khai thác, xuất khẩu tài nguyên ở hầu hết các địa phương trong nước, ngày đêm đang tiếp tục làm vơi hụt của cải của đất nước.

Cần được đầu tư khai thác và chế biến theo chiều sâu. Cần được xuất khẩu có tính toán với giá hợp lý của thế giới. Cần liên doanh với nước ngoài trong khai thác tài nguyên không phải bằng bất kỳ mọi giá. Cần bảo vệ lâu dài tài nguyên và môi trường. Những nguyện vọng bức xúc từ nhiều năm đó đã được một quyết định đúng cổ vũ. Mong rằng sẽ còn có nhiều hơn những quyết định kiên quyết, thận trọng như thế vì tài nguyên của chúng ta tuy nhiều thật nhưng không phải là vô hạn./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực