Ngày xuân, tản mạn nghĩ về doanh nghiệp, doanh nhân

Thứ sáu, 05/03/2010 15:38

 Doanh nhân Việt Nam với Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội (Ảnh minh họa)

(ĐCSVN) - Năm mới, sắc xuân tưng bừng và lan tỏa nơi nơi. Tuy ngày rằm tháng giêng vừa qua nhưng nhà nhà, người người vẫn còn nguyên không khí nâo nức Tết Nguyên đán Canh Dần, mà theo cách tính của người phương Đông, được xem là năm “Tốt”, là năm “Hổ Bạch”, là năm có nhiều cơ hội làm ăn, và có thể thịnh vượng nếu biết nắm bắt cơ hội.

Là người đang làm ăn tại thị trường có nhiều trắc trở, lại đang ở vào thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khu vực, rồi khủng hoảng ở quốc gia... nên rất khó có thể nói điều gì để gửi gắm tới các doanh nhân về kinh nghiệm làm ăn và đánh giá thị trường, đành xin khất dịp khác. Nhớ quê hương, muốn góp một tiếng nói nhân ngày xuân, tôi xin mạn đàm đôi điều trong cuộc sống để chúng ta cùng suy nghĩ.

Xin kể 2 câu chuyện.

Câu chuyện thứ nhất. Triết học cổ đại Đức từ thế kỷ 18 đã phân biệt 2 loại tư duy: tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa và tư duy khoa học. Khi nhìn loại chất lỏng trong suốt, không mùi, không vị, bất cứ em bé nào khi được hỏi cũng trả lời, đây là nước!! câu hỏi tiếp theo: vì sao đúng là nước? thì chỉ có thể nhận được câu trả lời: “kinh nghiệm chủ nghĩa”, hay nói nôm na: “các cụ đã nói như vậy từ thời cổ đại”. Rõ là nước, không thể khác được!!!

Còn khoa học trả lời: nước là hợp chất hoá học gồm 2 nguyên tố Ôxy và Hydrô (H2O), là hợp chất của 2 chất khí dễ cháy.

Thật ngược đời, người ta dùng nước để chữa cháy, và chữa rất hiệu qủa những đám cháy thông thường, trong khi nước là hợp chất của 2 chất khí dễ cháy!!!

Như vậy, một thực tế đã và đang xảy ra: chân lý khoa học bao giờ cũng ngược đời, nếu như người ta đánh giá chúng trên cơ sở kinh nghiệm. Vậy thì rõ ràng khoa học bao giờ cũng đi trước, và là thế mạnh của một, hay một nhóm người thiểu số.

Suy ra: thương trường không phải là con đường bằng phẳng dành cho doanh nhân đang tìm kiếm những cơ hội mới, muốn áp dụng cách làm mới, để thu được lợi nhuận tối đa (tính theo hệ số công sức, thời gian và đồng vốn). Nhưng nếu làm được điều này, điều mà chủ nghĩa kinh nghiệm cho là không đúng, thì doanh nhân đó sẽ có chỗ đứng hoàn toàn mới, rất vững chãi, ít bị cạnh tranh khốc liệt. Bởi vì sẽ chỉ có một vài người, hoặc một nhóm doanh nhân thiểu số tiên phong mới có thể dám nghĩ, dám làm; và họ thành công.

Câu chuyện thứ hai. Ngày đó, một cậu bé ra đời. Cậu bé đầy đặn và khỏe mạnh, không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của người mẹ trẻ đã sinh ra cậu, mà còn là hy vọng, là chỗ dựa trong tương lai cho người cha. Cậu bé đã không hề một ngày được nằm trong nôi để mẹ đung đưa, nhưng rõ ràng cậu vẫn cảm nhận đâu đây sự bồng bềnh, chao lắc nhè nhẹ. Là bởi vì cậu sinh ra trên con thuyền, nơi đã nhiều đời nay, từ cụ cố, rồi các thế hệ tiếp theo, và bây giờ là cha cậu, dùng làm phương tiện mưu sinh. Họ làm nghề chèo đò dọc trên quãng sông này từ bao năm nay.

Ngày qua ngày, cậu đã là chàng trai khôn lớn, cân đối, khỏe mạnh và dạn dầy sông nước. Được người cha hết lòng thương yêu dạy bảo, truyền kinh nghiệm, cùng với mái chèo và cây sào tre, chàng trai đã trở thành người chèo đò giỏi tay nghề, giàu kinh nghiệm. Đến mức cứ nhìn những vạt hoa cải vàng ven sông, nhìn mái ngói đỏ nhà nấy, nhìn chiếc cầu tre lắt lẻo, nghe tiếng gà trưa tác gọi bầy .v.v. chàng trai đã biết lúc đó là mấy giờ, con thuyền đang ở trên khúc sông nào, nông hay sâu? và cần bao nhiêu thời gian nữa thì những người khách trên đò dọc này được chàng trai đưa tới bến!!!

Thời gian đó, thu nhập của chàng trai cũng tạm được, nhưng rồi phải trang trải cho cuộc sống gia đình, mua sắm thêm đồ dùng thời cận hiện đại như vô tuyến đen-trắng, đài cát-xét để thay cho chiếc ga-len do người cha để lại; nên rút cục, thu nhập cũng chỉ đủ cho sinh hoạt, và khi đến thời hạn, có đủ tiền sửa chữa hay đóng con thuyền mới để phục vụ bà con.

Đến một ngày, qua câu chuyện với những người khách ngồi đò, người đàn ông chững chạc - là chàng trai ngày nào, nghe nói xã hội đã đổi thay nhiều, cuộc sống ngày càng văn minh, đồng nghĩa với chi phí ngày càng tăng. Ông ta không hiểu gì nhiều, chỉ biết rằng, với những thu nhập của mình bằng cách chèo đò dọc trên quãng sông này, có thể không đủ để trang trải cho con cái khi đến trường và những chi phí khác ngày càng phát sinh. Vẫn trên quãng sông ấy, vẫn những cột mốc là vạt hoa cải vàng, tiếng gà gáy trưa .v.v., ông ta đã chèo nhanh hơn, nhiều chuyến hơn, tận tụy hơn, và đương nhiên thu nhập cũng có tăng, tuy nhiên vẫn chỉ có thể duy trì cuộc sống gia đình tùng tiệm và dư dật chút đỉnh.

Nhưng rồi, phương tiện thông tin đã mang đến cho người đàn ông này những khái niệm mới, tuy rất mơ hồ, về toàn cầu hóa, WTO, buôn bán quốc tế, những chuyến hải hành đến các cảng biển quốc tế ... với nhiều triệu đồng, tỷ đồng lợi nhuận. Ông ta bày tỏ mong muốn có được cơ hội tham gia, người ta sẵn lòng. Nhưng bằng con thuyền nhỏ bé, ra đến cửa sông để tiếp cận với đại dương mênh mông nhiều của cải, ông đã không thể đi tiếp, vì không còn mái ngói đỏ nhà nấy, không có cây cầu tre, không còn vạt cải hoa vàng làm mốc xác định; con sào cũng không cắm được xuống đáy biển để đẩy con thuyền tiến lên phía trước. Ông ta phải lựa chọn: hoặc quay trở lại khúc sông ngày ấy để tiếp tục mưu sinh như trước; hoặc phải phấn đấu học hành để có tri thức của người thủy thủ viễn dương, sao cho có thể đọc được bản đồ, biết xử dụng động cơ thuỷ, máy lái, la-bàn, định vị toàn cầu .v.v. Bởi vì những gì gọi là kinh nghiệm của ông ta có trước đây, đã không còn giá trị khi con tàu ra đại dương.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về điều kiện cần và đủ đối với người làm kinh doanh, mà ngày nay gọi là doanh nhân, nhưng tựu chung nội dung cơ bản vẫn bao gồm 5 chữ T: Tâm (đạo đức), Tầm (vị thế), Tài (năng lực), Tiền (vốn liếng), Tri thức (hiểu biết). Tùy theo từng hoàn cảnh, từng giai đoạn, những điều kiện này hoán đổi vị trí thứ tự trên dưới về mức độ quan trọng, nhưng theo đánh giá chung, thì Tri thức đang ngày càng trở nên quan trọng.

Người lãnh đạo doanh nghiệp, hay nhiều doanh nghiệp,  doanh nhân không thể là người thiếu tri thức, giống như người chèo đò dọc năm xưa.

(Odessa Tết Nguyên đán Canh Dần 2010)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực