Phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu, 23/03/2018 00:24
(ĐCSVN) - Trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, một trong những hoạt động được các cấp bộ Đoàn đặc biệt quan tâm là phong trào thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thi đua làm giàu, lập thân lập nghiệp.
 

Tuổi trẻ nông thôn ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) khơi thông kênh mương ruộng đồng
Ảnh: Thế Lượng

Trong những năm qua, các địa phương đã có chủ trương, chính sách cụ thể thông qua các lớp đào tạo, tập huấn nghề cho thanh niên. Tuy nhiên, những lớp học này chỉ mang tính chất định hướng việc làm cho thanh niên; còn thực tế tại địa bàn họ sinh sống, những ngành nghề được đào tạo rất khó áp dụng vào thực tiễn bởi phần thì chưa đủ điều kiện về vốn, phần thì chưa thật sự phù hợp với điều kiện về địa bàn. Vì thế cứ sau mỗi vụ lúa, thanh niên lại rảnh rỗi trong lúc nông nhàn, do đó mong muốn có việc làm ổn định, phát triển kinh tế là nhu cầu bức thiết đối với đoàn viên thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, trong các nhiệm kỳ, các cấp bộ Đoàn nên coi việc tập hợp và phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế, ổn định đời sống là một trong những chương trình hành động cụ thể. Những chương trình với các giải pháp nên xây dựng và thực hiện như sau:

Thứ nhất, chúng ta đều nhận thấy đại đa số đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nông thôn, miền núi có điểm xuất phát thấp nên để phát triển kinh tế đặc biệt là kinh tế hộ gia đình, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm thì cần có nguồn vốn ban đầu. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội huyện thực hiện chương trình liên tịch để tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho đối tượng hộ thanh niên, thông qua các Chương trình như chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình khuyến nông… 

Thứ hai là, từ công tác vay vốn của đoàn viên thanh niên thì việc sử dụng nguồn vốn cho phát triển kinh tế cần được thường xuyên giám sát và quan tâm. Nên  khuyến khích, phát động đoàn viên thanh niên phát triển các mô hình kinh tế, trong đó đặc biệt chú ý tới các mô hình kinh tế hộ gia đình: vườn-ao-chuồng (VAC), vườn-ao-chuồng-rừng (VACR), kinh tế trang trại. Đẩy mạnh mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết hợp trồng cây công nghiệp như keo, trám, quế và các loại cây ăn quả… Trong quá trình thực hiện, cần tận dụng sự hỗ trợ thông qua các dự án, nguồn vốn hỗ trợ thanh niên.  

Thứ ba, cùng với việc tổ chức cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình thì việc phát huy năng lực và tiềm năng vốn có của đoàn viên thanh niên cần được quan tâm và đẩy mạnh. Trong đó, việc phát triển ngành, nghề truyền thống địa phương sẽ giúp đoàn viên thanh niên phát huy việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình, góp phần phát triển kinh tế địa phương như: dệt thổ cẩm, chế biến lâm sản xuất khẩu, thêu thùa các sản phẩm dân tộc .

Thứ tư, trong quá trình phát triển kinh tế cần thường xuyên xác định: Nguồn vốn nhiều, đất đai rộng chưa đủ cho sự thành công của các mô hình kinh tế mà cùng với nó chính là trình độ, kiến thức, kỹ năng của đoàn viên thanh niên trong quá trình thực hiện. Do vậy, cần thường xuyên phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn cho đoàn viên thanh niên. Hoạt động này nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng cho đoàn viên thanh niên trong quá trình thực hiện nhất là thanh niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn về mọi mặt. Từ đó các cán bộ được tập huấn sẽ về triển khai tại chính thôn bản của mình. Đồng thời bằng hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các thông tin công tác khuyến nông, khuyến lâm, thông tin công tác Đoàn, tài liệu khoa học kĩ thuật, phổ biến các kiến thức về chuyển đổi cơ cấu cây con, bảo vệ thực vật, thú y, phương pháp xây dựng mô hình, bảo vệ môi trường cho đoàn viên thanh niên .

Thứ năm, cùng với công tác tập huấn cho cán bộ đoàn cơ sở là công tác tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết của Đảng tới đoàn viên thanh niên nên được chú trọng. Không ngừng cổ vũ đoàn viên thanh niên nông thôn thi đua tình nguyện tham gia ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, từng bước phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn theo hướng hiện đại và bền vững.

Hàng năm, nên tổ chức gặp mặt các điển hình thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi để biểu dương những gương thanh niên vượt khó vươn lên lập thân lập nghiệp, nhằm phổ biến cách làm hay để thanh niên học tập, thi đua xung kích tham gia phát triển kinh tế .

Cùng với công tác đẩy mạnh phong trào thi đua thanh niên phát triển kinh tế nông thôn thì việc định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên thanh niên khối trường học là một trong những hoạt động quan trọng. Trong từng năm học, cần đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp nhằm định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên thanh niên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tổ chức các hoạt động dạy nghề tin học, điện dân dụng, làm vườn cho đoàn viên thanh niên. Với các hoạt động ấy đã góp phần tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi ra trường.

Với những giải pháp trên, thiết nghĩ sẽ thúc đẩy được việc phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên trong phát triển kinh tế, đặc biệt là thanh niên nông thôn trong chương trình xoá đói giảm nghèo, giúp đoàn viên thanh niên vươn lên thoát nghèo và tạo dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc./.                  

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực