Phép thử từ trong hoạn nạn

Thứ sáu, 06/03/2020 22:30
(ĐCSVN) - Dịch Covid-19 đang đặt toàn cầu, trong đó có nước ta trước nhiều thử thách. Từ dịch bệnh này, vấn đề vượt qua thử thách, vấn đề tình người giữa dịch bệnh… như là một “phép thử” cũng được đặt ra.

 Cả hệ thống chính trị của Việt Nam đang vào cuộc để phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: TH)

Theo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tính đến 6h00 ngày 5/3, toàn thế giới có 95.049 người mắc Covid-19, trong đó, tại Trung Quốc đại lục là 80.269 ca; 81 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc có 14.780 ca. Các quan chức y tế thế giới cho biết tỷ lệ tử vong do Covid-19 là 3,4% trên toàn cầu, cao hơn so với ước tính trước đó là khoảng 2%. Con số này là cao hơn rất nhiều lần so với đại dịch SARS năm 2003. Điều này khiến người dân toàn cầu không khỏi hoang mang và đặt ra câu hỏi vì sao Covid-19 có thể lây lan nhanh như vậy?

Từ Trung Quốc, sau gần 3 tháng, con vi rút quái ác đã có mặt tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ những nước có trình độ phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Đức, Nhật, Pháp,Ý…, hiện vi rút này đã lan khắp châu Âu đến các nước chậm phát triển như Nigeria… và hiện đang diễn biến rất phức tạp ở châu Phi và Trung Đông…

Đáng chú ý, số lượng ca nhiễm tại nơi khởi bệnh là Trung Quốc tăng chậm lại, trong khi ở những nơi khác trên thế giới ngày càng tăng nhanh, theo chiều hướng xấu đi.

Covid-19 không loại trừ một ai và nó "tung hoành" ở khắp mọi nơi. Người nhiễm bệnh có thể là người già, thanh niên đến trẻ nhỏ, từ người lao động bình thường đến các quan chức cao cấp. Tại Việt Nam một trẻ 3 tháng tuổi đã bị nhiễm và một nghị sĩ ở Iran cũng bị tử vong vì Covid-19… Có thể gieo mầm bệnh từ công sở, nhà hàng, nơi công cộng, bệnh viện, siêu thị đến nơi sinh sống của mỗi gia đình… Điều này đã nói lên tốc độ lây lan xuyên biên giới và sự nguy hiểm, khó lường của dịch bệnh. Chính vì sự nguy hiểm này mà Tổ chức Y tế thế giới vừa quyết định nâng mức cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm và ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên mức “rất cao” ở cấp độ toàn cầu.

Cả thế giới đang nín thở trước câu hỏi: Con đường đi của con vi rút “họ corona” này còn kéo dài đến đâu, bao giờ mới chịu chấm dứt? Không dễ để trả lời một vấn đề lớn mang tính cấp bách toàn cầu. Nhưng mỗi quốc gia có người bị nhiễm bệnh đều hành động hết sức khẩn trương, quyết liệt. Các quốc gia, vùng lãnh thổ đều xác định nguồn lây bệnh, thực hiện phong tỏa khu vực, cách ly những người nghi ngờ để chặn sự lây lan; thực hiện khai báo y tế đối với người từ vùng dịch nhập cảnh vào; cho học sinh nghỉ học; tạm ngừng các hoạt động đông người…

Và trong hành trình nỗ lực ấy, đã có nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc. Đó là với tinh thần "chống dịch như chống giặc" của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn… Từ đó, chúng ta đã đạt được kết quả thành công bước đầu quan trọng trong phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Các hoạt động giám sát y tế, cách ly người đến từ vùng dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy... được thực hiện nghiêm.

Trong khi Covid-19 lây lan nhanh tại Hàn Quốc, Ý, Mỹ… do có sự “tiếp sức” của một số người dân đã chủ quan và không tuân thủ việc cách ly y tế, thì ở nước ta tình hình tại khác. Đến nay, sau 21 ngày thực hiện nghiêm túc lệnh phong tỏa cách ly với gần 11.000 người dân trong xã, không để xuất hiện thêm ca nhiễm Covid-19 mới, vào lúc 0h giờ ngày 4/3, xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chính thức hết thời hạn cách ly, dỡ bỏ phong toả, dập tắt ổ dịch. Như vậy, công tác phòng, chống dịch đối với xã này đã thành công ngoài mong đợi. Và trên toàn đất nước chúng ta đã 22 ngày liên tiếp không có người nhiễm Covid-19.

Và chính kết quả này, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong công tác phòng, chống dịch với quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả, công khai, minh bạch. Hai tổ chức WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam muốn Việt Nam chia sẻ bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh. Ngày 4/3, tại Hội nghị quan chức cao cấp (SOM) ASEAN khai mạc tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn cho các nước, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.

Cùng với công tác kiểm soát, còn một vấn đề không thể không nói tới là Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) vừa công bố đã phát triển thành công bộ Kit phát hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Sars-CoV-2). Bộ sinh phẩm này phát triển dựa trên công nghệ nền là kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR). Kết quả test trong phòng thí nghiệm cho thấy bộ Kit này cho kết quả nhanh sau 80 phút, tương đương với Kit thử do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát triển. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên và duy nhất, y học Việt Nam có sự đột phá trong việc nghiên cứu, chẩn đoán, chữa trị (vì cách đây chưa lâu, chúng ta đã công bố việc ghép chi thể thành công đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, cũng như trên thế giới. Đó là chưa kể rất nhiều những ca ghép tim, thận, gan... thành công…). Nhưng đó chính là niềm vui, sự tự hào và lòng kiêu hãnh không chỉ của riêng đội ngũ các thày thuốc, ngành y tế, mà còn là của chung cả dân tộc Việt Nam. Về kinh tế, chúng ta còn chưa bằng nhiều quốc gia; song chúng ta có quyền hãnh diện về một nền y học tiên tiến, khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ y học thế giới, hệ thống y tế vì dân, vì cộng đồng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực hết mình phòng, chống dịch đâu đó vẫn xuất hiện một số “anh hùng bàn phím” tung tin thất thiệt, bịa đặt như một vi rút độc hại reo rắc sự lo lắng, gây tổn hại cả vật chất và tinh thần trong xã hội. Những “anh hùng” ấy vì những lý do khác nhau đã đưa ra những thông tin rất giật gân, câu khách và nhiều cư dân mạng không cần kiểm chứng đã chia sẻ những thông tin đó… Điển hình như trong 2 tháng đầu năm nay có hơn 30 trường hợp bị xử phạt hành chính đưa tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên Facebook. Chưa kể, có báo còn giật tít “Khánh Hòa có nguy cơ thành ổ dịch vi rút Corona”, trong khi địa phương chưa phát hiện trường hợp nào dương tính; hay như cô gái Bình Dương livestream khoe "trốn cách ly"… Những điều này, vô hình trung đã làm cho người dân thiếu sự bình tĩnh trong việc tiếp cận thông tin, gây nên hiệu ứng hoang mang dây chuyền.

Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, dịch bệnh này trong thời gian tới có thể vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, mang tính toàn cầu, do đó, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Trong quá trình triển khai thực hiện các biện pháp dập dịch cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Trong đó phát huy trách nhiệm của mỗi cá nhân, của toàn xã hội trong việc tự xây dựng “màng lọc” trước các tin xấu, độc trên Internet. Đặc biệt cần nhận thức đúng về dịch, có biện pháp phòng tránh là một yếu tố hết sức quan trọng để cùng cả nước và thế giới đẩy lùi dịch bệnh quái ác này…/.

 

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực