Sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, các địa phương khác tại sao không?

Thứ sáu, 10/08/2018 12:21
(ĐCSVN) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan đã thu được nhiều kết quả tích cực, để lại nhiều bài học quan trọng cho việc sáp nhập của các địa phương hiện nay.
Đến năm 2021, 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 637 đơn vị cấp xã
chưa đạt 50% về quy mô dân số và diện tích tự nhiên sẽ được sắp xếp lại. (Ảnh:http://plo.vn)

Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội là bài học thành công sống động

Cách đây 10 năm, thời điểm ngay sau hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và một số xã của tỉnh Hòa Bình, diện tích và dân số Hà Nội tăng đột biến do “nhân đôi bộ máy”. Có một số xã miền núi, dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo của Chính phủ, nhiều người ví von Hà Nội đa sắc màu, hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam.

Rất nhiều vấn đề được đặt ra sau hợp nhất, trong đó có vấn đề đại sự là công tác cán bộ và xắp sếp lại bộ máy. Khi đó, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Hà Nội tăng từ 57.000 lên thành 102.700 biên chế. Lúc ấy, Hà Tây có 16 sở, 04 ban quản lý, 06 ban đảng, 06 tổ chức chính trị - xã hội, 05 đơn vị tương đương sở, ngành. Hà Nội có 18 sở, 08 ban quản lý, 06 ban đảng, 06 tổ chức chính trị - xã hội và 05 đơn vị tương đương sở, ngành. Chỉ tính riêng số lượng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã lên tới hơn 900 người. Một số sở sau khi gộp lại như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đến 13 phó giám đốc; Ban Tổ chức Thành ủy có 2 trưởng, 8 phó...; nhiều ban Đảng, sở, ngành có phổ biến từ 6 đến 8 cấp phó. Đây thực sự là thách thức rất lớn và là bài toán “rất khó” chưa có tiền lệ.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hà Nội đã từng so sánh, sáp nhập bộ máy của TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây “việc này giống như hai cỗ máy có kích cỡ khác nhau đang chạy với hai tốc độ khác nhau trong môi trường, nhiệt độ, ánh sáng khác nhau, giờ nhập làm một”. Và rồi việc “ai đi, ai ở?” là câu hỏi đặt ra mà nếu không quan tâm “đúng lúc, đúng chỗ” sẽ là “nguồn cơn” nảy sinh mâu thuẫn... Nếu không giải quyết tốt vấn đề tư tưởng sẽ gây mất đoàn kết nội bộ, làm cho bộ máy không thể vận hành bình thường được. Từ hai địa bàn dồn vào làm một “hai anh trưởng chỉ một anh làm trưởng tiếp, một anh phải xuống phó”, động chạm đến tâm tư cán bộ. “Cán bộ ở đây không phải cán bộ cấp thấp, toàn cán bộ cấp cao của thành phố, từ Ban Thường vụ Thành ủy đến lãnh đạo các sở, ban, ngành”.

Với quyết tâm cao của cấp ủy và sự chỉ đạo sát, đúng, kịp thời của Trung ương, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ dần cũng có lời giải. Các cấp ủy TP Hà Nội đã làm tốt công tác chính trị, tư tưởng để tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cách thức thực hiện khoa học, bài bản, chính xác, thành phố đã luân chuyển trên 130 lượt cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý về làm Bí thư, Phó Bí thư; giới thiệu để HĐND các địa phương bầu làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã.

Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo từng phát biểu: “Ai bảo Hà Nội to hơn Hà Tây, quan trọng hơn Hà Tây, thủ trưởng của Hà Tây chỉ làm phó cho Hà Nội, không có quy định nào như thế. Nhưng quả thật để việc sắp xếp thành công, tôi cho rằng, còn có cả sự hy sinh sự nghiệp cá nhân của không ít người”.

Những người nắm trọng trách của Hà Nội thời kỳ mở rộng địa giới đều cho rằng, sắp xếp bộ máy là khó khăn nhất nhưng đã thực hiện thành công. Hàng nghìn cán bộ thay đổi vị trí nhưng theo lãnh đạo Hà Nội, thời kỳ đó “không có đơn thư khiếu nại lên thành phố hay Trung ương”.

Các địa phương khác tại sao không?

Theo tin từ Bộ Nội vụ, trong 30 năm, từ 1986 - 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713 (tăng 282 đơn vị); đơn vị hành chính cấp xã tăng từ 9.657 lên 11.162 (tăng 1.505 đơn vị, bình quân mỗi năm tăng 50 xã). Con số này giữ nguyên cho đến nay.

Quá trình chia, tách đơn vị hành chính đã đạt được một số kết quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, có một số bất cập và hạn chế. Cụ thể: Bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Chi ngân sách nhà nước tăng, do tăng biên chế và quỹ tiền lương xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc, tăng chi thường xuyên. Khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô; làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng của cả nước; gây xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc thay đổi giấy tờ; thủ tục, địa chỉ, nơi làm việc đối với số lượng không nhỏ cán bộ, công chức; làm chia, tách không gian văn hóa – xã hội...

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, theo lộ trình thực hiện, trong năm nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng xong Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021. Năm 2019, bố trí nguồn kinh phí cần thiết cho việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, dân số; sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư. Đến năm 2021, 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 637 đơn vị cấp xã chưa đạt 50% về quy mô dân số và diện tích tự nhiên sẽ được sắp xếp lại. Năm 2021, tổng kết và xây dựng đề án tổng thể sắp xếp từ năm 2022 - 2030.

Xung quanh vấn đề này, sáng 8/8/2018, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, việc sáp nhập sẽ làm thay đổi một địa chỉ số nhà, nhưng tất cả giấy tờ hộ tịch thay đổi theo. Do đó, cần tính toán thêm về phạm vi hợp lý.

Về công tác cán bộ, Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn mà nhiều địa phương trăn trở. Vì vậy, cần chính sách và có nghị định riêng của Chính phủ về chế độ, chính sách áp dụng cho trường hợp này. Ngoài địa phương thì có cả ngành dọc như: thuế, hải quan, thi hành án…cũng cần có chính sách thống nhất.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, mục tiêu của việc sắp xếp là làm tinh gọn bộ máy để đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Địa phương nào rà soát, đủ điều kiện, nhân dân đồng tình thì làm. “Nhân dân đồng thuận mới nên làm, còn không đồng thuận thì không nên, không áp đặt ý chí Nhà nước khi chưa có sự đồng thuận của nhân dân. Lấy ý kiến đúng theo quy định của luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu từ nay đến 2021, mục tiêu là sắp xếp các xã chưa đạt tiêu chí về quy mô và dân số, từ 2021-2030 là sắp xếp lại cấp huyện, cấp xã theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp cũng cần xem xét các yếu tố khác, trong đó có việc tổ chức lấy ý kiến cử tri. Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân, có trên 50% tổng số ý kiến cử tri đồng ý thì mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cần thực hiện đúng quy định, thể hiện rõ bản chất Nhà nước là của dân, do dân, vì dân. Những vấn đề có liên quan đến nhân dân trên địa bàn đều lấy ý kiến nhân dân. Việc lấy ý kiến phải thực chất chứ không theo kiểu “đại cử tri”.

Liên quan vấn đề nhân sự, việc tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính đồng nghĩa sẽ có dôi dư số lượng cán bộ nhất định. Do đó, cần nghiên cứu trong sắp xếp cán bộ cũng như có chính sách phù hợp.

“Có chế độ, chính sách chứ không phải “vắt chanh bỏ vỏ” hay trọn gói một số tiền là xong. Với số nhân sự này có thể tiếp tục vận động người ta tham gia vào củng cố hệ thống chính trị cơ sở” –  Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình lưu ý và nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động phải thực hiện tốt để tạo sự đồng thuận cao.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, hiện tổ chức ở cơ quan Trung ương và địa phương còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo. Bên cạnh đó, số bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ dù đã có nhiều đổi mới nhưng hiện vẫn còn 30 đầu mối bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị. Về đơn vị hành chính cấp địa phương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương thông tin, năm 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, tăng 178 huyện, 1.136 xã…Thực tế cho thấy, những năm qua chỉ có xu hướng là phải tách đơn vị hành chính ra chứ không có nhập vào. Trong 10 năm qua chỉ giảm duy nhất được một tỉnh là việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.

Đề cập đến hiệu quả trong việc sáp nhập đơn vị hành chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương lấy dẫn chứng việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. “Lúc bàn thì khó khăn vô cùng, với rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Ví như sáp nhập vào rồi thì truyền thống văn hóa, lịch sử, kinh phí, đặc biệt là công tác cán bộ sẽ ra sao? Sáp nhập phòng đã khó vì hai ông trưởng phòng nay chỉ  còn chọn một ông. Sáp nhập cấp tỉnh còn khó khăn gấp bội vì cũng là Uỷ viên Trung ương...”.

Nhưng đồng chí Phạm Minh Chính cũng đánh giá, là “đúng đắn, thành công, hiệu quả”, mở ra không gian cho sự phát triển. Mọi khó khăn lúc đầu đặt ra đến nay cũng đều được giải quyết.

“Sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, vậy xã, phường sao không làm được? Sáp nhập được là giảm ngay đội ngũ”, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh và khẳng định, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội là bài học thành công sống động, cho thấy khó mấy cũng làm được nếu điều đó là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn xã hội./.

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực