Thành phố thông minh: Góc nhìn an ninh mạng

Thứ năm, 16/07/2020 08:50
(ĐCSVN) - Theo đề án phát triển đô thị thông minh, đến 2025, Việt Nam có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đến 2030, hình thành một chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối với đô thị thông minh của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, khi hàng triệu thiết bị được kết nối có thể gây ra những rủi ro về an ninh. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm và xác định những giải pháp để khắc phục các nguy cơ này.

 Từ công nghệ hiện đại…

 Thành phố thông minh (Smart City) là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Thành phố thông minh được tạo bởi các yếu tố chính, gồm: quản lý - tổ chức (chính quyền điện tử); công nghệ (các dịch vụ và hạ tầng); cộng đồng dân cư (chủ thể chính, những công dân hiện đại); nền kinh tế thông minh; hạ tầng CNTT - truyền thông; và môi trường tự nhiên.

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, dự kiến đến năm 2050, khoảng 2/3 dân số toàn cầu
sẽ sống tại các đô thị. (Nguồn: tapchitaichinh.vn)

Các công nghệ chủ yếu cấu thành nền tảng, cốt lõi của thành phố thông minh bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ 5G, Big Data và Sensor; công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR). Trong đó, công nghệ AI có thể cung cấp thông tin thời gian thực, học máy và thuật toán, giúp các hệ thống trong thành phố trở nên hiệu quả và an toàn hơn, đáp ứng nhanh chóng và dễ dàng hơn nhu cầu, cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân.

 Công nghệ 5G đóng vai trò cơ sở hạ tầng, dịch vụ trọng yếu của thành phố thông minh, có thể đảm bảo cho hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ kết nối với lưu lượng không lồ và tốc độ phản hồi tức thời, đảm bảo không có bất cứ gián đoạn nào trong việc điều hành hệ thống. Big Data được ứng dụng trong việc phát hiện các nguy cơ cháy nổ, cảnh báo tai nạn giao thông, các vấn đề về y tế;  tăng mức độ minh bạch và dân chủ trong quản lý nhà nước; cải thiện dịch vụ công và giảm chi phí… 

 Công nghệ điện toán đám mây và CNTT thế hệ mới được ứng dụng trong quy hoạch đô thị, thu nhận, phân tích và tích hợp thông tin để vận hành thành phố, hỗ trợ cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường, giữ an toàn cộng đồng, phát triển các dịch vụ đô thị và đáp ứng các nhu cầu khác một cách thông minh, giúp cho kinh tế đô thị tăng trưởng, duy trì tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Với VR và AR, giới chức quy hoạch đô thị và cư dân có thể hình dung được những phát triển trong tương lai và đánh giá tác động của nó đối với môi trường, tính thẩm mỹ...

 Đến nguy cơ an ninh mạng…

 Thứ nhất, nguy cơ an ninh đến từ việc sử dụng công nghệ AI không được kiểm soát, nhất là khi AI đạt tới ngưỡng tiến hóa nào đó, sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” có thể tấn công con người và thậm chí cả một thành phố. Vì thế, nhiều người lo ngại điều này sẽ dẫn đến việc con người không kiểm soát được máy móc và máy móc có thể làm hại con người.

 Thứ hai, với một đô thị chứa hàng triệu thiết bị kết nối với nhau, hacker có rất nhiều điểm để tấn công vào. Khi đó việc bảo đảm an toàn cả hệ thống sẽ rất khó khăn. Theo giới quan sát công nghệ, hiện có 5 xu hướng chủ yếu hacker có thể tấn công vào thành phố thông minh, như tấn công mạng có chủ đích APT (dễ nhận biết); tấn công vào các thiết bị IoT (khó nhận biết); sự đụng độ giữa hacker mới và cũ; tấn công vào các lỗ hổng trên hệ điều hành iOS và Android; và đánh cắp dữ liệu trên mạng xã hội.

 Thứ ba, khi tất cả mọi thứ trong thành phố thông minh đều được kết nối qua mạng 5G, thì mọi hoạt động xã hội của thành phố đều chịu sự chi phối của công nghệ này thì nguy cơ mất an ninh là không hề nhỏ. Theo các chuyên gia bảo mật, mạng 5G hiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, như lấy cắp dữ liệu; kiểm soát các dịch vụ trọng yếu; phá hoại kết cấu hạ tầng; gây gián đoạn đường truyền; và an ninh kinh tế.

Ngoài ra còn có những yếu tố nguy cơ mất an ninh từ công nghệ được ứng dụng khác, như Big Data và Sensor... Lưu trữ dữ liệu lớn, dữ liệu đặc biệt nhạy cảm, có thể khiến các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với những kẻ tấn công mạng. Các cảm biến nếu bị xâm nhập cũng có thể gây ra những hiểm họa khó lường về rò rỉ dữ liệu, sức khỏe…

 Và những vấn đề cần quan tâm

 Một là, ban hành chính sách xây dựng thành phố thông minh, trong đó có chính sách về an ninh, nhằm định hướng cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng thành phố; đề ra và hoàn thiện các giải pháp ứng dụng CNTT - truyền thông, công nghệ số trong hoạt động bảo đảm an ninh. Chẳng hạn, các quy định về sử dụng AI; mạng 5G; thiết bị cảm biến; quản lý dữ liệu lớn…

 Hai là, các sản phẩm công nghệ phải được kiểm tra nhằm phát hiện các vấn đề an ninh trước khi đưa vào sử dụng. Các sản phẩm và dịch vụ được kiểm tra định kỳ cả về chất lượng và an ninh. Mã hóa mạnh dữ liệu khi truyền qua hệ thống thành phố thông minh, đồng thời có các phương thức xác thực 3 yếu tố đối với thiết bị đầu cuối như điện thoại di động. Các thiết bị cá nhân cũng cần được phân quyền nhằm hạn chế truy cập vào các dữ liệu nhạy cảm.

 Ba là, lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo thông minh đa chức năng, đảm bảo an toàn tối đa cho cư dân. Bao gồm: hệ thống camera giám sát an ninh 24/7; nhận dạng biển số xe; giám sát và thông báo trường hợp vi phạm nội quy; phân quyền truy cập camera tại nhà; đẩy tín hiệu (streaming) theo yêu cầu của ban quản lý lên web, màn hình hiển thị; cảnh báo các đối tượng trong diện truy nã đến khu đô thị; truy xuất nhanh lịch sử biển số xe...

 Bốn là, xây dựng một số trung tâm liên quan đến bảo đảm an ninh thành phố như Trung tâm giám sát điều hành an ninh công cộng; Trung giám sát bảo mật an toàn thông tin; Trung tâm dịch vụ ứng cứu khẩn cấp. Trong đó, Trung tâm giám sát điều hành an ninh công cộng thực hiện kiểm soát an ninh công cộng ở các khu vực, địa bàn trọng điểm trên địa bàn thành phố.Trung giám sát bảo mật an toàn thông tin thực hiện vận hành, giám sát, hỗ trợ và phản ứng xử lý sự cố cho toàn bộ các hệ thống công nghệ thông tin; nghiên cứu giải pháp an toàn thông tin đối với hệ thống mạng, máy chủ, hệ thống E-mail, máy tính người dùng và ứng dụng, bảo vệ, phòng chống tấn công mạng.

 Thực hiện tích hợp các dịch vụ ứng cứu khẩn cấp cho người dân vào một đầu số duy nhất. Cung cấp các tính năng nâng cao, như định vị thuê bao, hiển thị trên bản đồ số, điều khiển camera tập trung vào khu vực sự cố từ đó nắm bắt nhanh thông tin hiện trường xảy ra sự cố, tương tác điều phối, giám sát các lực lượng xử lý các tình huống như cấp cứu, phòng cháy chữa cháy./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực