Thành tích... thương hiệu!

Thứ năm, 15/04/2010 18:44
Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" được triển khai 4 năm qua tại các cơ sở giáo dục đã nhận được sự đồng thuận, góp sức của toàn xã hội và thu được kết quả nhất định.

Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sau năm đầu giảm, đã tăng trở lại và được đánh giá là phản ánh thực chất hơn chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, lại đang xuất hiện các trường cho học sinh yếu chuyển trường, thậm chí "cấy" điểm, nâng điểm để thay đổi kết quả xếp loại trước khi chuyển học sinh đi nơi khác. Vậy thì bệnh thành tích đâu có được điều trị hiệu quả như người ta nói?

Có thông tin một số trường ngoài công lập ở TP Hồ Chí Minh đã tìm cách chuyển học sinh có học lực yếu đi trường khác. Đây là cách để các trường nâng uy tín, thể hiện qua tỷ lệ tốt nghiệp, đồng nghĩa với việc thêm lợi nhuận, tuyển được nhiều học sinh vì đã đạt "chất lượng giáo dục" cao. Thực chất các cơ sở giáo dục này có thành tích thương hiệu chứ đâu phải là danh hiệu đạt được qua đánh giá của cơ quan quản lý giáo dục. "Bệnh" thành tích ở đây mang màu lợi ích kinh tế, nên việc đổi mới công tác đánh giá thi đua theo cách "đo" mức độ tiến bộ mà nhiều địa phương đang cố gắng thực hiện cũng không mấy tác dụng. Ở đây, công tác quản lý có vai trò quan trọng. Tại Hà Nội, việc chuyển trường đối với học sinh THPT (cả trường dân lập, tư thục) được thực hiện 2 lần trong năm và phải thông qua một hội đồng xét duyệt của Sở GD-ĐT thành phố. Với học sinh các trường công lập, những trường hợp học sinh học yếu, Sở sẽ không xét cho chuyển trường. Với học sinh dân lập, tiêu chuẩn có thoáng hơn bởi phần lớn các trường tuyển học sinh đạt điểm thấp, nhưng cũng không "tạo điều kiện" để các trường "chê" học sinh. Quan điểm của Sở GD-ĐT được thể hiện trong văn bản hướng dẫn chuyển trường là không được dùng hình thức chuyển trường để đưa học sinh yếu học lực, kém đạo đức ra khỏi trường. Với biện pháp quản lý này, số học sinh chuyển trường trong những năm học THPT không nhiều và trong số đó chỉ có non nửa là học sinh của các trường ngoài công lập.

Cùng với cuộc vận động "Hai không", ngành giáo dục đang triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động khác như "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo"... Không ít giáo viên, không hiếm nhà trường đã coi sự tiến bộ của học sinh, từ học yếu vươn lên trung bình, từ trung bình đạt kết quả khá hơn... là thành công của mỗi cá nhân và tập thể. Qua cách quản lý của ngành giáo dục ở các địa phương đối với việc chuyển trường của học sinh, có thể thấy phong trào và cuộc vận động này chỉ là "chất xúc tác" cho công tác quản lý mà thôi. Vị thành tích, dù là danh hiệu hay thương hiệu, sẽ vẫn còn nếu cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực