Thị trường bất động sản có trầm lắng?

Chủ nhật, 05/04/2020 09:47
(ĐCSVN) – Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, tình hình thị trường bất động sản (BĐS) Quý I/2020 trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp do hạn chế tiếp xúc để phòng chống dịch bệnh.

Dự án nhà ở giảm, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Riêng ở các khu vực khác, giao dịch chủ yếu là các dòng sản phẩm thấp tầng (đất nền, liền kề...). Trước Tết Nguyên đán, đây vẫn là dòng sản phẩm dành được nhiều sự quan tâm từ khách hàng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhưng do tình hình dịch bệnh nên giao dịch diễn ra rất hạn chế. Đồng thời, sản phẩm mới là dự án du lịch, nghỉ dưỡng chào bán ra thị trường rất hiếm, có một số ít các giao dịch đến từ các Dự án đã chào bán trước đó.

Phân khúc nhà ở của hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh đều giảm (Ảnh: HNV)

Cũng theo nhận định của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với Quý IV/2019 vàchưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.

Hơn nữa, các chủ đầu tư cũng như các sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt, với các sàn giao dịch, cá nhân môi giới BĐS: 100% chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh; vừa thiếu nguồn hàng để bán, vừa không có được sự quan tâm từ khách hàng, nhà đầu tư vì phải lo chống dịch. Theo ghi nhận từ các khu vực, khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp.

Đáng chú ý là trong bối cảnh tín dụng siết chặt cộng hưởng với không bán được sản phẩm do dịch bệnh +đã xuất hiện dấu hiệu tìm kiếm nhà đầu tư của các chủ đầu tư yếu năng lực tài chính để chào mời, chuyển nhượng dự án theo hình thức M&A hoặc cổ phần, hoặc từng phần dự án.

Ngoài ra, cũng bắt đầu có hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi. Ví dụ như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Thạch Thất - Hà Nội…

Thuận lợi và khó khăn của thị trường BĐS quý I/2020

Báo cáo về tình hình thị trường BĐS Quý I/2020 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam nêu rõ, xuất hiện một số yếu tố thuận lợi tác động đến thị trường, đó là: Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ một phần các vướng mắc của Luật trong thủ tục dành cho phát triển dự án bất động sản tại các địa phương. Theo đó, việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án. Rồi phải kể đến việc Bộ Tài nguyên & Môi trường đã chính thức có văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ gửi Sở Tài nguyên & Môi trường các địa phương hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc cấp sổ cho Condotel (giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở: Condotel, Officetel, Hometel…). Hay như Thông tư số 21/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (QCVN 04:2019/BXD) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Theo đó, diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư sẽ không nhỏ hơn 25m2 đối với dự án nhà ở thương mại.

Quan trọng hơn cả là ngay khi dịch bệnh bùng phát, Nhà nước đã có một số chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, đơn cử như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh; Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo gia hạn nộp thuế, miễn tiền thuế chậm nộp đối với doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh; Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh.

Bên cạnh thuận lợi cũng không tránh khỏi khó khăn bao gồm: Các văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các Dự án bất động sản chưa được tổ chức triển khai thực hiện triệt để tại các địa phương. Thông tư số 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020 đã kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản... Nghỉ Tết Canh Tý kéo dài cộng với tình hình dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại, gặp gỡ, tụ tập đông người; tạm ngưng cấp visa đối với toàn bộ người nước ngoài vào Việt Nam dẫn tới hiện tượng “ngủ đông” của hầu hết các hoạt động trên thị trường bất động sản.

Cần đồng bộ các nhóm giải pháp để thị trường BĐS sôi động trở lại sau dịch bệnh (Ảnh: HNV) 

Để thị trường phát triển trong thời gian tới

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ từng nhóm giải pháp với từng nhóm đối tượng phù hợp trong việc duy trì ổn định thị trường bất động sản khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Theo đó, đối với doanh nghiệp kinh doanh và dịch vụ BĐS: cần thiết phải nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất, vừa tăng chất lượng vừa giảm giá sản phẩm; chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội - phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm.

Đối với các Sàn giao dịch BĐS nên thực hiện: Nâng cấp hệ thống công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh; Cấu trúc lại bộ máy, hệ thống quản trị nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho Doanh nghiệp; Tổ chức các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp đội ngũ nhân viên môi giới; Duy trì các hoạt động marketing để giữ vững khách hàng tại thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng phát triển; chăm lo và hỗ trợ đội ngũ nhân viên của Công ty, không nên bỏ mặc họ trong bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội; kiên quyết không vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho các dự án ma, dự án không phù hợp quy định pháp luật.

Đối với các cá nhân môi giới BĐS: Tranh thủ trong khoảng thời gian nghỉ do dịch bệnh để hoàn thiện kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao chất lượng nghề nghiệp, nâng cao giá trị bản thân; Hỗ trợ, chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt cần tuân thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với Chính phủ: cần đưa các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ BĐS vào nhóm đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ đã phê duyệt vì nhóm này thực chất cũng chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh; trực tiếp và thực chất hơn các khoản hỗ trợ cho các Sàn giao dịch và môi giới BĐS (Hoãn tiền thuê đất cho Doanh nghiệp kinh doanh BĐS; Hoãn tiền phải nộp bảo hiểm xã hội cho đến hết dịch bệnh và sau khi hết dịch 12 tháng để Doanh nghiệp có thêm nguồn hỗ trợ và trả lương cho người lao động; Tiếp cận được nguồn vay từ ngân hàng để trả một phần lương cho nhân viên và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp); xem xét lại việc quy định người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo hướng mở rộng tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại các dự án nhà ở thuộc phân khúc cao cấp (phân khúc này ít phù hợp nhu cầu trong nước mà phù hợp với nhu cầu của người nước ngoài nhiều hơn); chỉ đạo các tỉnh, thành phố quyết liệt hơn nữa trong việc vận dụng những biện pháp tháo gỡ của Chính phủ đối vớicác nội dung vướng mắc trong quy định pháp luật để đẩy nhanh quy trình giải quyết thủ tục cho các dự án BĐS, làm tăng nguồn cung cho thị trường BĐS và thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ cần sớm phê duyệt chính sách bù lãi suất và thúc đẩy các ngân hàng cho vay vốn để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm soát nhằm hạn chế hiện tượng dự án ma, dự án không đúng quy định pháp luật và đặc biệt không để xảy ra hiện tượng tạo thị trường ảo để trục lợi như ở Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Đính còn cho biết thêm, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay, Hội môi giới BĐS Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, cá nhân môi giới bất động sản vượt qua khó khăn thông qua việc: Miễn thu phí Hội viên, kể cả Hội viên mới gia nhập trong năm 2020; Hỗ trợ các hoạt động đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ môi giới BĐS cho cộng đồng môi giới BĐS trên cả nước; Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích cho Hội viên; Tiếp nhận và tổng hợp mọi ý kiến chia sẻ về khó khăn của Hội viên và cộng đồng môi giới BĐS để kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho các Doanh nghiệp, cá nhân môi giới BĐS.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực