Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Kỳ 2: Giải pháp thúc đẩy đầu tư công
Thứ hai, 24/08/2020 21:35
(ĐCSVN) - Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Cụ thể, tại các Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 29/5/2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, các văn bản số: 623/TTg-KTTH và 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020, Kết luận số 242/TB-VPCP ngày 18/7/2020, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

 Cần đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh hiện nay

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 02 Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và tăng cường phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; có thể chia thành 03 nhóm giải pháp: Rà soát hệ thống pháp luật về ngân sách, đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; Khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 cho các dự án; Tổ chức triển khai thực hiện dự án nhằm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.

Tình hình thực hiện các giải pháp

Thực hiện các giải pháp tại các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18/7/2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực triển khai, ban hành quyết định/chỉ thị/văn bản hành động triển khai thực hiện. Qua đó, một số nhiệm vụ cụ thể đã hoàn thành.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 , bao gồm cả 02 dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vốn đầu tư ngân sách Trung ương (NSTW) từ nguồn tăng thu năm 2019; đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 theo đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; cũng như rà soát, tổng hợp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Qua kết quả làm việc với các địa phương, về cơ bản các địa phương đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tuy nhiên kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: chậm trễ trong việc giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2020 cho các dự án, chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; công tác chuẩn bị dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa kỹ, phát sinh vướng mắc, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án… nên ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về phía Bộ Giao thông vận tải, đơn vị này đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 27/7/2020 triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 17/7/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân công Lãnh đạo phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, thường xuyên giao ban theo tháng, quý để nhận diện từng khó khăn, vướng mắc để kịp chỉ đạo điều hành; chủ động, tích cực hơn trong việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 từ dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, đến nay, một số giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 84/NQ-CP vẫn chưa được thực hiện. Đơn cử như: 15 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương chưa hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn NSTW cho các chương trình, dự án trước ngày 31/7/2020 với tổng số tiền là 15.825 tỷ đồng. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân số vốn năm 2019 được kéo dài sang năm 2020 chậm, đạt 31,71% tổng số vốn kéo dài. Theo yêu cầu tại Nghị quyết số 84/NQ-CP, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải giải ngân hết số vốn kéo dài này trong tháng 8/2020. 

Giải pháp triển khai trong những tháng còn lại năm 2020

Hiện tại, thúc đẩy và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ; là mục tiêu lớn, quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp quyết liệt nêu tại các Nghị quyết, Chỉ thị.

Với chức năng là đơn vị chịu trách nhiệm chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bên cạnh việc tập trung tổ chức công tác chuẩn bị đại hội các cấp, cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần tổng hòa các giải pháp gồm có: Thứ nhất, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đã được ban hành. Tiếp đến là phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân, giải phóng mặt bằng của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020.

Thứ hai, phân cấp, phân công từng nhóm giải pháp phù hợp với từng cấp, ngành và đơn vị để triển khai giải ngân đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể, với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, phối hợp kịp thời với các Bộ và cơ quan chuyên ngành liên quan tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân, giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công của các chương trình, dự án. Thực hiện nghiêm và có hiệu quả trong công tác phối hợp, theo dõi việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020. Song song là chỉ đạo chủ đầu tư đẩy mạnh tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Riêng với Bộ Tài chính, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Chính phủ kết quả và tình hình phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 của các bộ, cơ quan Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương về danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng như kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 đến hết ngày 31/12/2020./.

Bài và ảnh: Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực