Thực phẩm bẩn: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ sáu, 19/10/2018 17:35
(ĐCSVN) – Mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thực phẩm bẩn tràn lan đã và đang gây nhức nhối trong xã hội, khiến người dân lo ngại. Thêm nữa, câu hỏi “thực phẩm bẩn – trách nhiệm thuộc về ai?” vẫn đang còn bỏ ngỏ nên vấn đề ATTP càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.

Những con số cảnh báo đáng suy ngẫm

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là đòi hỏi cấp thiết (Ảnh: P.V)

Theo Cục ATTP, ở Việt Nam, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011 - 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn.

Theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.

Số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng cho thấy, trong 5 năm (2011 - 2015), mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật, với 4.100 loại thương phẩm khác nhau thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu hóa học. Cùng với đó, nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitos, Kelthane… là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay.

Tình trạng trên nếu kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe và cả tính mạng của cộng đồng.

Phải phân cấp trách nhiệm rõ ràng và chế tài xử phạt nặng để răn đe hiệu quả

Đề cập tới tình trạng mất vệ sinh ATTP và thực phẩm bẩn, nhiều ý kiến phân tích chỉ rõ, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về ATTP đã được tăng cường trong thời gian qua với nhiều hình thức đa dạng. Tuy nhiên, công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP chưa thường xuyên, kết quả còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng nội dung thông tin không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân đối với công tác quản lý ATTP. Hơn nữa, truyền thông tư vấn trực tiếp của cán bộ có chuyên môn y tế, nông nghiệp hầu như chưa được quan tâm, kiến thức và hiểu biết về vệ sinh ATTP của người dân còn rất hạn chế…

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP cũng quy định rõ trách nhiệm của 3 Bộ trực tiếp liên quan tới vấn đề ATTP là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc để trách nhiệm chung, liên ngành cũng dễ dẫn tới tình trạng “cha chung không ai khóc” nên vẫn cần có những phân cấp cụ thể với những chế tài đi kèm chi tiết và nghiêm khắc hơn thì tính răn đe trong xử phạt vi phạm mới cao và mang tính giải quyết triệt để.

Thực tế cho thấy, không chỉ ở cấp Trung ương mà theo luật định, trách nhiệm cũng được chỉ rõ ở quản lý cấp địa phương nhưng việc xử lý còn lỏng lẻo, thiếu kiên quyết. Chính lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cũng từng thừa nhận, đã có rất nhiều cuộc thanh tra nhưng đến cuối cùng, người bị xử lý lại là cơ sở sản xuất tiểu thương, còn các cơ quan quản lý địa phương hầu như không bị "sờ" tới. Do đó, hơn bao giờ hết, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương từ cấp phường, xã cho đến quận huyện khi xảy ra vi phạm ATTP.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng nếu quyết tâm và sự chung sức, đồng lòng thì “khó khăn nào cũng vượt qua”. Do đó, cần có biện pháp giải quyết đồng bộ từ chính quyền địa phương, ban hành quy chuẩn về vệ sinh ATTP, thông tin tuyên truyền thêm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất. Về phía doanh nghiệp, chính họ cũng phải chủ động trong cuộc chiến với thực phẩm bằng luôn đưa lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu, tạo lập thương hiệu an toàn, sạch và uy tín.

Thêm một chú ý nữa là, song song với nâng cao công tác quản lý của cơ quan chức năng, chính bản thân người tiêu dùng cũng cần lên tiếng, tố cáo những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn mặc dù đấu tranh với các hành vi gian dối, sai phạm nghiêm trọng về ATTP còn nhiều gian nan, bởi các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong khi đó, việc quản lý, thanh tra, kiểm tra và phòng chống thực phẩm bẩn của các cơ quan hữu quan còn chồng chéo, bất cập, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Người dân chưa kiên quyết với việc phòng chống vi phạm ATTP.

Nhưng cũng cần nhớ rằng, không thể đòi hỏi quá nhiều ở người tiêu dùng khi họ còn đang loay hoay với bộn bề cuộc sống lại phải kiêm nhiệm quá nhiều “vai”. Vừa lo lắng để là người tiêu dùng thông thái, sử dụng thực phẩm an toàn lại vừa là người tố cáo, phát hiện sai phạm ATTP. Tất nhiên, để hỗ trợ người tiêu dùng làm được điều đó, bản thân họ phải được cung cấp hai quyền nhằm bảo vệ chính bản thân mình. Thứ nhất là quyền thông tin, bởi hiện nay quyền thông tin về hàng hóa, đơn vị kinh doanh sản xuất còn hạn chế, người tiêu dùng khó có thể kiểm tra được chất lượng hàng hóa kể cả những hàng hóa có tem, giấy chứng nhận. Thứ hai là quyền an toàn, bởi hiện nay rất nhiều thực phẩm vẫn chứa nhiều tồn dư hóa chất, chất bảo quản dẫn đến tình trạng người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.

Thiết nghĩ, làm được như phân tích ở trên, tin rằng, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn sẽ có hồi kết./.

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực