Thực phẩm không có nhãn mác - Nỗi lo ngày Tết

Chủ nhật, 31/01/2010 19:41
(ĐCSVN) - Gần đến ngày Tết, mặc dù đã có nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhưng các loại thực phẩm không an toàn, không có nhãn mác hiện vẫn được bày bán khá nhiều trên thị trường, gây lo lắng cho người tiêu dùng.

 

 Trong quầy kẹo này có nhiều mặt hàng
không có nhãn mác bánh

Rất nhiều cơ sở khi được kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, đã không đưa ra được giấy chứng nhận "Đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm" cho các mặt hàng của họ. Đây là nhận định của Đoàn Kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội sau đợt kiểm tra vừa tiến hành thời gian qua, tại nhiều cơ sở bán thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Theo kết quả của đợt kiểm tra tại Chợ Đồng Xuân, một trong những chợ lớn nhất Hà Nội. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 155 cơ sở, nhưng kết quả chỉ có 42 cơ sở được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đa số các mặt hàng thực phẩm được các cơ sở này bày bán đều không có nhãn mác, xuất xứ. Đặc biệt là các loại bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí, nước giải khát. Đây là một điều mà người tiêu dùng rất lo ngại, bởi trong thời gian gần đây các cơ quan báo chí đã đưa tin rất nhiều về nạn ngộ độc thực phẩm đã xảy ra gần như thường xuyên.

Theo báo cáo của ngành y tế, hiện nay tại Thành phố Hà Nội chỉ có trên 50% số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện Vệ sinh an toàn thực phẩm, trong tổng số hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ các loại, có chức năng kinh doanh các mặt hàng thực phẩm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác, tình hình cũng tương tự như vậy. Đây quả là một điều bất cập mà ngành y tế cần phải phối hợp với các ngành chức năng liên quan tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Có thể thấy rõ các loại hàng thực phẩm không có nhãn mác, không rõ xuất xứ đang được bán trôi nổi trên thị trường khắp cả nước ta hiện nay đại bộ phận là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo các nhà nghiên cứu, rất nhiều loại thực phẩm nêu trên có chứa các loại hoá chất độc hại, thậm chí rất độc hại, nếu ăn, uống vào sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Để xảy ra hiện tượng này, một trong những lỗi lớn thuộc về ngành hải quan với việc đã để các loại hàng lậu nhập khẩu tràn lan trong cả một thời gian rất dài mà không có các giải pháp

 

 Công đoạn "sản xuất" lòng đỏ
của trứng gà giả (Ảnh ST)

hiệu quả  để khắc phục.

Một thời người ta thấy rộ lên tin đồn về trứng gà giả có xuất xứ từ Trung Quốc. Rất nhiều người đã không tin nổi chuyện này. "Làm gì có chuyện đó, ai mà đang tâm làm trứng gà giả, mà có muốn làm cũng khó mà làm nổi, vì trứng gà khó làm giả lắm...". Nhiều người đã nói như vậy và coi chuyện trứng gà giả có xuất xứ từ Trung Quốc là một chuyện đùa chỉ nói cho vui. Tuy nhiên gần đây chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và phát hiện ra rằng, chuyện này hoàn toàn có thật. Trứng gà giả có xuất xứ tại huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Đông và một số địa phương khác của Trung Quốc. Nguyên liệu để "chế tạo" trứng gà giả gồm có các loại hóa chất như: nhựa để chế vỏ trứng, phèn chua, cacbonat canxi, gelatin, một số hóa chất khác và cả các loại tinh bột. Trứng gà giả được sản xuất hàng loạt với một "công nghệ" và "quy trình" hết sức đơn giản, chỉ với một cái khuôn đổ lòng đỏ và lòng trắng, một vài thao tác nhẹ nhàng khác, với 1 USD, "người sản xuất" có thể mua đủ nguyên liệu để làm ra gần 200 quả trứng gà giả. Theo các nhà khoa học, nếu người tiêu dùng mua nhầm và ăn phải loại trứng gà giả này, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, thậm chí còn bị ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, gây nguy hại cho não bộ. Loại trứng gà giả trên đã bị phát hiện là bày bán tràn lan tại nhiều địa  phương tại Trung Quốc và nhiều ngưòi cho là thời gian qua đã từng có mặt tại Việt Nam.

Nỗi lo lắng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm còn ám ảnh người tiêu dùng ngay cả khi họ mua và dùng các loại trái cây. Được biết rất nhiều loại trái cây trên, người bán có thể để tồn kho hàng tuần, thậm chí hàng tháng, nhưng nhìn bên ngoài vẫn cứ "tươi nguyên" như mới hái từ trên cây xuống. Tuy nhiên, nếu ai mua phải loại trái cây này về dùng thì sẽ rất nguy hại cho sức khoẻ và tính mạng. Bởi phần lớn các loại trái cây này đều nhập từ bên ngoài vào, và đã được "xử lý" bằng cách tẩm hoá chất.

Bác sỹ Trần Văn Thuỷ, một chuyên gia trong ngành vực sinh – hoá, Đại học KHXH&NV cho biết: Các loại trái cây này được tẩm hoá chất giúp chống mốc và bảo quản trái cây không bị hư hỏng.

 

 Nhiều loại trái cây tươi lâu
một cách không bình thường

Đó là loại hoá chất có gốc từ chất Clo, là một loại hoá chất có tính độc cao, có đặc điểm không màu, không mùi, không vị; có tác dụng diệt vi  khuẩn và côn trùng, ngăn chặn được quá trình chuyển hóa tế bào, giữ cho củ quả tươi lâu. Tuy nhiên, chất này cũng đồng thời gây độc hại cho người tiêu dùng.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng từng khuyến cáo: tại một số nơi, trái cây còn được người bán sử dụng cả thuốc diệt cỏ (chất 2,4D) để bảo quản được lâu. Theo các nhà chuyên môn, chất này nếu sử dụng với nồng độ thấp sẽ có tác dụng kích thích củ quả to thêm, giúp tươi lâu. Nếu dùng với liều lượng cao sẽ có tác dụng diệt cả vi khuẩn, côn trùng. Vì vậy nó gây tác động rất tiêu cực đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về là thời gian mọi người quây quần sum họp ăn tết vui vẻ cùng gia đình, bạn bè. Tuy nhiên thời gian đây, có một hiện tượng gần như đã trở thành quy luật, là cứ mỗi dịp tết, nhiều bệnh viện lại gần như quá tải với các trường hợp ngộ độc thức ăn. Vì vậy, trong điều kiện khi mà các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng nước ta, người tiêu dùng trước hết cần phải "Tự cứu lấy mình", cần thận trọng khi mua sắm thực phẩm dùng trong ngày Tết, xem xét kỹ lưỡng, kiên quyết không mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc để tránh dùng phải các loại thực phẩm độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình và người thân./..

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực