Từ “đường cong mềm mại” nghĩ đến... “đường đắt nhất hành tinh”!

Thứ tư, 15/06/2016 16:57
(ĐCSVN) - Sau 4 năm khởi công, đường Trường Chinh mở rộng thuộc Dự án đường vành đai II (Hà Nội) mới thi công được 700 m/2 km. Nếu tiếp tục chậm tiến độ, rất có thể đây lại là con đường “đắt nhất hành tinh”?


"Đường cong mềm mại" thi công chậm tiến dộ vì chưa có 100% mặt bằng sạch. (Ảnh: vnexpress. net)

Đường Trường Chinh mở rộng thuộc Dự án đường vành đai II, được khởi công tháng 10/2013, với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng. Tuyến đường gần 2 km theo “thiết kế cong” từng được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội ví như "đường cong mềm mại" (?).

“Đường cong mềm mại” thi công với tiến độ “rùa” (4 năm được 700m) được lý giải là do chưa có mặt bằng sạch để thi công. Hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân ở quận Đống Đa và Thanh Xuân chưa bàn giao mặt bằng vì họ chưa nhận được nhà tái định cư. Vòng luẩn quẩn, dự án cần mặt bằng, người bị thu hồi đất lại chưa có chỗ tái định cư tốt cứ đeo bám nhau, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, dẫn đến nguy cơ đội vốn thành “đường cong đắt nhất hành tinh”?

Hà Nội đã có những con đường  “đắt nhất hành tinh” mà nguyên nhân cũng từ giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, v.v...

Tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (quận Đống Đa) chỉ dài 547m nhưng ngốn mất khoản kinh phí lên tới 810 tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ đồng mỗi mét. Kỷ lục này bị phá vỡ, khi tuyến đường Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ  (quận Đống Đa) xác lập kỷ lục mới với chi phí làm 1 m chiều dài ...lên tới 2,5 tỉ đồng.

Đường “đắt nhất hành tinh”, nhưng chưa có gì để đảm bảo “chất lượng nhất hành tinh”.  Mỗi khi bị chất vấn về giá thành 1km đường ở nước ta thường đắt hơn nhiều nước trên thế giới, chủ dự án luôn đổ lỗi do chi phí giải phóng mặt bằng cao.

Vừa đắt vừa chậm tiến độ dường như là “bệnh” cố hữu của không ít dự án đường giao thông nội đô. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có lẽ chưa có cơ chế hoàn hảo và minh bạch để điều hòa lợi ích giữa Nhà nước, người bị thu hồi đất. Khi làm đường, giá đất hai bên đường tăng lên theo cấp số nhân, nhưng lợi nhuận từ chêch lệch địa tô lại ít “chảy” về Nhà nước, người bị thu hồi. Điều này sẽ tạo sự thiếu công bằng giữa người bị thu hồi 100% diện tích đất và những hộ bỗng nhiên được ra mặt đường.

Ở nhiều nước, khi mở đường, người ta dùng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai. Cơ chế cho phép người bị thu hồi 100% diện tích đất được bố trí tái định cư tại chỗ;  người mất một phần đất, được ra mặt đường, mang lại giá trị cao hơn thì diện tích đất cũng phải thu hẹp lại tương ứng. Với diện tích đất còn lại sau khi đền bù sẽ tổ chức đấu giá để lấy tiền xây dựng đường.

Cơ chế nêu trên đã được nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội đề cập, nhưng nó chưa trở thành giá trị phổ quát để tất cả địa phương cùng thực hiên. Thực tế, Đà Nẵng đã thực hiện cơ chế “mở” tương tự như nhiều nước nhằm điều hòa lợi ích chung. Khi thu hồi đất ở hai bên đường, Đà Nẵng áp dụng cơ chế: Người bị thu hồi toàn bộ đất sẽ được bồi thường nhà, đất, cây cối, hoa màu; không thực hiện cơ chế bồi thường về đất mà chỉ bồi thường nhà ở đối với người bị thu hồi một phần đất; với diện tích đất còn lại ít, nếu người dân đề nghị giải tỏa trắng, thì áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhằm chặn nhà siêu mỏng “ăn theo” quy hoạch.

Sau khi thu hồi “đất vàng” hai bên đường, Đà Nẵng thực hiện cơ chế đấu giá tài sản công nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn.

Chính sách khởi nguồn từ con người và thực tiễn cuộc sống đòi hỏi. Chính sách đúng, “công bộc” đủ tầm và liêm chính sẽ thúc đẩy xã hội phát triển nhanh và bền vững./.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực