Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư cho toàn thể đảng viên

Thứ năm, 12/09/2019 09:53
(ĐCSVN) - Sau Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, các Đảng Cộng sản ở nhiều nước ra sức phấn đấu thực hiện Mặt trận nhân dân rộng rãi chống phát xít. Năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp chống phát xít thành lập và giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử (5-1936).

Những sự kiện ấy đã tác động mạnh đến tình hình Đông Dương. Tháng 6-1936, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư cho đảng viên toàn Đảng về tình hình và nhiệm vụ mới.

Ban Chấp hành Trung ương nêu những nét khái lược về tình hình quốc tế, tình hình trong xứ, tình hình Đảng, đề ra nhiệm vụ vận động và các đoàn thể quần chúng.

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đang giành thắng lợi ở Liên bang Xôviết, chế độ dân chủ mở rộng hơn chính thể dân chủ tư bản thế giới. Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế vẫn diễn ra ở nhiều nước tư bản. Làn sóng chống phát xít và chiến tranh đế quốc lan rộng.

Ở Đông Dương, đời sống vật chất và văn hoá của quần chúng ngày càng khó khăn. Đế quốc Pháp dùng nhiều thủ đoạn “quỷ quyệt”, "khôn khéo" hơn để lừa gạt quần chúng. Những phần tử quốc gia cải lương ra sức tuyên truyền chủ nghĩa quốc gia cải lương, làm cho quần chúng chệch đường tranh đấu. Trong khi đó, phong trào cách mạng tiếp tục diễn ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Vientiane, Boneng, Bontiou.

Sau Đại hội đại biểu lần thứ nhất, Đảng Cộng sản Đông Dương bị đế quốc khủng bố nên tổn thất nặng về tổ chức. Song, do nỗ lực của đảng viên, nhiều đảng bộ và cơ quan được khôi phục. Tuy nhiên, công tác vận động quần chúng còn yếu. "Những đồng chí hiểu lầm rằng công tác tổ chức đảng bộ là quan trọng, còn công tác quần chúng là phụ thuộc, nên họ hoàn toàn phân khai công tác đảng với công tác quần chúng. Vì lẽ đó mà cứ cặm cụi tổ chức đảng viên trong xó tối, mà quên hẳn công tác vận động quần chúng, vì chính sách đóng cửa do đó mà Đảng ít phát triển, ít có liên lạc với quần chúng...”. Trung ương nêu rõ “Đảng phải mật thiết liên lạc với quần chúng, phải có quần chúng ủng hộ mới có thế lực".

Đảng tổ chức quần chúng ra sức tranh đấu, đòi quyền lợi hàng ngày. Trong tình hình khó khăn, khó tổ chức Công hội, Nông hội thì đảng phải lấy danh nghĩa Ái hữu hội, Tương tế hội, hợp tác xã, Hội học đêm để tập hợp quần chúng công nông. Ngoài ra tổ chức Hội Cứu tế đỏ, Phản đế, Học sinh, Thể thao để “kéo quần chúng vào hàng ngũ tổ chức".

Ban Chấp hành Trung ương chủ trương để các cấp đảng bộ liên minh với các cá nhân và tổ chức chính trị khác thành lập Mặt trận Nhân dân thống nhất phản đế. Trong khi lập Mặt trận, Đảng phải giữ quyền độc lập về quyền tồ chức và chính trị, đấu tranh chống các hành động phá hoại Mặt trận Nhân dân thống nhất phản đế. Mặt trận Nhân dân thống nhất ở Đông Dương phải đòi Chính phủ Lêông Bơlum thực hiện cải cách dân chủ ở Đông Dương.

Ban Chấp hành Trung ương còn chỉ rõ những nhiệm vụ cần thực hiện cho các cấp đảng bộ khi Ban điều tra của các đảng phái Mặt trận Nhân dân Pháp sang Đông Dương như tổ chức biểu tình đòi quyền dân chủ, đòi độc lập cho Đông Dương...

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.438-440, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực