Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương tiếp tục và đẩy mạnh chiến dịch Tây Bắc

Thứ hai, 14/10/2019 15:49
(ĐCSVN) - Qua các chiến dịch Đông Bắc, Tây Bắc, Trung ương Đảng nhận thấy mặt trận Tây Bắc là nơi địch yếu nhất, nhưng đối với ta đây lại là một cứ điểm quan trọng bảo vệ phía sau cho căn cứ địa Việt Bắc, là bàn đạp tiến sang vùng Thượng Lào.

Bộ đội ta hành quân trong chiến dịch Tây Bắc,
năm 1952 (Ảnh tư liệu BTLSQG).

Đây cũng là nơi mà địch coi là kho nhân lực, bàn đạp uy hiếp Việt Bắc và bảo vệ Thượng Lào. Căn cứ vào nhận định trên, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định tiếp tục và đẩy mạnh chiến dịch Tây Bắc cho đến hết tháng 6-1949, thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Mở rộng căn cứ địa Tây Bắc của ta từ sông Thao đến sông Đà, phá vỡ phòng tuyến Yên Bình xã - Bảo Hà - Nghĩa Lộ và cô lập tiểu khu Lào Cai của địch, củng cố bàn đạp tiến sang Thượng Lào.

2. Tiêu diệt một phần sinh lực địch, phá tan khối ngụy binh, Thái trắng để phá kế hoạch củng cố của địch và tạo đà cho cuộc tổng phản công…

Phương châm chiến dịch được xác định là:

1. Tập trung chủ lực đánh vào chỗ yếu nhất của địch.

2. Chuẩn bị bộ đội dự bị để khuếch trương chiến quả.

3. Phát động nhân dân chiến tranh.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, đồng chí Bí thư Liên khu ủy X phải triệu tập các đồng chí Chính trị ủy viên, Liên khu trưởng để thảo luận kế hoạch chuẩn bị chiến trường theo các điểm sau:

1. Các địa phương phải liên lạc và giúp đỡ các cán bộ tình báo hoặc báo cáo cho cấp ủy Đảng rõ tình hình địch để chuẩn bị và tiến đánh.

2. Cán bộ Đảng vụ, dân vận, chính quyền phải mật thiết liên lạc với các đồng chí phụ trách đại đội độc lập, bộ đội địa phương và dân quân để củng cố và phát triển cơ sở Đảng, quần chúng, chính quyền và du kích thật vững chắc.

3. Các cấp ủy địa phương phải liên lạc với các cán bộ địch vận để tổ chức cho bằng được nội ứng trong hàng ngũ ngụy binh.

4. Liên khu ủy chỉ thị cho các cấp phải chuẩn bị sẵn sàng lương thực cho bộ đội và vận động nhân dân tiếp tế cho bộ đội khi chiến dịch đã phát động.

5. Trong khi chuẩn bị chiến trường chính, phải chuẩn bị trước các chiến trường tương lai như Hạ Lào, Nghĩa Lộ, Hòa Bình để khuếch trương chiến quả nếu có điều kiện thuận lợi.

6. Trong mọi việc chuẩn bị, phải thực hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa quân, dân, chính.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh tính bí mật trong việc thực hiện kế hoạch chuẩn bị chiến dịch.

Tiếp tục và đẩy mạnh chiến dịch Tây Bắc là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc từ phía sau, chuẩn bị tiến sang vùng Thượng Lào; thắng lợi của chiến dịch sẽ làm đà cho việc chuẩn bị tổng phản công của ta.

-----------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.372-374, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực