Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Nghị quyết Về cuộc vận động “Đào tạo cán bộ, học tập lý luận”

Thứ tư, 16/10/2019 14:19
(ĐCSVN) - Nhận thấy nhiệm vụ chuyển mạnh sang tổng phản công hết sức nặng nề, đòi hỏi rất nhiều cán bộ, ngày 1-5-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Nghị quyết Về cuộc vận động "Đào tạo cán bộ, học tập lý luận".

Cuộc vận động có mục đích nâng cao trình độ lý luận, chính trị cho cán bộ đảng viên; sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong toàn Đảng về tư tưởng và phong cách công tác; đào tạo cán bộ cho các ngành hoạt động của Đảng.

Về nội dung cuộc vận động “Đào tạo cán bộ, học tập lý luận", Nghị quyết nêu rõ: "Muốn đào tạo cán bộ phải lấy việc học tập lý luận làm phương pháp căn bản, ngược lại phải nhận định rằng học tập lý luận cốt để đạt tới mục đích đào tạo cán bộ, đồng thời phải phối hợp việc học tập lý luận với việc đấu tranh tư tưởng".

Nghị quyết chỉ rõ cần chú trọng một số điểm trong việc đào tạo cán bộ:

- Đối với cán bộ mới và cũ: cần nâng đỡ cán bộ cũ, kiên quyết đưa những người có trình độ văn hóa thấp đi dự các lớp bổ túc văn hóa, sau đó cho học thêm lý luận; đối với cán bộ mới cần dìu dắt, đưa họ học lý luận cách mạng và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng.

- Đối với cán bộ công nông, cần được học văn hóa trước khi học lý luận.

- Đối với cán bộ chuyên môn trong các ngành chính quyền và quân sự, cần có những chương trình huấn luyện chính trị gồm các môn sau: phương pháp luận biện chứng, lịch sử cách mạng Việt Nam, cách mạng dân chủ nhân dân, quan điểm quần chúng, chính quyền nhân dân… Chú ý thành phần phụ nữ trong các lớp huấn luyện, đối với cán bộ mới phải mở những lớp dài hạn.

Về công tác tổ chức cuộc vận động, Trung ương nhấn mạnh: các cấp ủy sắp xếp ngay cán bộ theo chương trình học tập đã quy định, cương quyết rút cán bộ công nông và cán bộ cũ đưa đi dự các lớp bổ túc văn hóa. Trung ương đã chọn ngày 19-5-1950, ngày chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh 60 tuổi làm ngày phát động cho toàn quốc; Trung ương và các cấp lãnh đạo có trách nhiệm lãnh đạo và giúp cho Ban huấn luyện Trung ương điều khiển, hướng dẫn vận động và theo dõi liên tục.

Ngoài ra cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan huấn luyện, Đảng vụ, Tuyên truyền và các ban ngành khác, chú ý đối với vùng tạm chiếm tùy theo điều kiện và khả năng của từng địa phương mà thi hành.

----------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.471-473, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực