Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất Về công tác huấn luyện và học tập

Thứ tư, 16/10/2019 14:20
(ĐCSVN) - Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 6-5-1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất Về công tác huấn luyện và học tập được tổ chức nhằm kiểm điểm công tác huấn luyện và học tập, đề ra nội dung, phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Hội nghị vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và huấn thị về công tác huấn luyện và học tập. Trước tiên, Người chỉ rõ: "Việc huấn luyện, học tập không phải là một việc đơn giản, muốn làm được thì phải hiểu cho rõ". Người tuyên dương những cố gắng của một số địa phương, đã tích cực mở nhiều lớp huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ. Nhưng Người cũng phê phán “việc huấn luyện còn hữu danh vô thực”, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực chu đáo".

Về đối tượng huấn luyện, Người chỉ rõ công tác huấn luyện trước hết là phải huấn luyện cho cán bộ, vì "cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể… Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn".

Về mục đích của việc huấn luyện và học tập, Người nhấn mạnh: học để sửa chữa tư tưởng, để tu dưỡng đạo đức cách mạng, để tin tưởng vào Đảng, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc, của cách mạng, học để hành, học phải đi đôi với hành, "Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy".

Sau khi phân tích rõ nội dung và phương pháp huấn luyện, Người nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, ngoài việc học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau, còn phải học hỏi ở quần chúng nhân dân. Cán bộ nắm được lý luận rồi phải đi sát dân, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhân dân và phải tin dân, tranh thủ lòng tin cậy của nhân dân, trong công tác học tập của quần chúng, cán bộ phải biết hướng dẫn quần chúng vận dụng lý luận vào thực hành.

----------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.477-478, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực