Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ sáu

Thứ sáu, 11/10/2019 15:36
(ĐCSVN) – Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện trong giai đoạn thứ hai, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ sáu từ ngày 14 đến ngày 18-1-1949 tại Việt Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Nam Bộ từ chiến trường miền Nam
ra chiến khu Việt Bắc báo cáo với Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ
về quyết định kháng chiến của đồng bào và chiến sĩ miền Nam (10/1949) (Ảnh: hochiminh.vn)

Trải qua hơn ba năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân ta "càng đánh càng mạnh", quân địch ngày càng lâm vào thế "suy nhược", "lúng túng", lực lượng so sánh giữa ta và địch chuyển biến rõ rệt; trong khi đó lực lượng so sánh giữa phe dân chủ và phe đế quốc trên thế giới cũng đang chuyển biến mau lẹ, quân Giải phóng Trung Quốc đã làm chủ Hoa Bắc và tiến công vũ bão xuống Trung Nguyên.

Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện trong giai đoạn thứ hai, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ sáu từ ngày 14 đến ngày 18-1-1949 tại Việt Bắc nhằm "kiểm điểm năm qua, nhận định tình hình hiện tại, nhận định nhiệm vụ và bước đường trước mắt để chuẩn bị tổng phản công, giành lấy thắng lợi cuối cùng”.

Hội nghị đã thảo luận và nhất trí với Báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh với nhan đề: "Tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công" và các báo cáo khác của Trung ương: "Nhiệm vụ quân sự của chúng ta trong giai đoạn hiện tại", "Củng cố chính quyền nhân dân trong giai đoạn mới", "Về công tác mặt trận và dân vận", "Về tình hình Đảng năm 1948 và kế hoạch công tác nội bộ năm 1949", "Những nhiệm vụ kinh tế trong năm mới" và ra Nghị quyết Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ sáu.

Căn cứ vào tình thế mới của cuộc kháng chiến, Hội nghị đã đề ra chủ trương thực hiện phương châm chiến lược mới là “Tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công” với khẩu hiệu "Tất cả để chiến thắng”.

Từ chủ trương nói trên, Hội nghị đã định ra những nhiệm vụ và công tác quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta như sau:

Về quân sự: Đánh mạnh hơn nữa vào hậu phương địch, đánh vào các vị trí chiến lược, cắt các đường giao thông quan trọng với hướng hoạt động chính là những vùng chiến lược và kinh tế quan trọng mà địch đang ra sức củng cố, từ chủ động chiến dịch đi đến chủ động chiến lược từng bộ phận; mở rộng mặt trận ở Lào và Campuchia; phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc ở vùng biên giới hai nước Việt-Trung; phương châm chính vẫn là: du kích chiến là căn bản, vận động chiến là phụ trợ, nhưng cần đẩy mạnh vận động chiến và khi có đủ điều kiện thì nâng vận động chiến lên địa vị quan trọng để tiến sang giai đoạn phản công; nỗ lực xây dựng bộ đội chủ lực, rút dần các đại đội độc lập để tập trung thành các tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực, tập trung cán bộ, vũ khí và phương tiện, thông tin liên lạc cho các đơn vị có nhiệm vụ đánh vận động chiến, thực hiện chế độ chính ủy và củng cố nền nếp chính trị trong bộ đội; phát triển dân quân mà trọng tâm là dân quân xã, dân quân thành trong địa hạt quận du kích địa phương trong các vùng quan trọng về chiến lược, về chính trị và kinh tế, xây dựng dân quân thực sự là "hậu bị quân của quân đội chính quy", v.v..

Về chính trị: Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xúc tiến việc thống nhất Việt Minh và Liên Việt; củng cố chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở, thống nhất hệ thống kháng chiến hành chính toàn quốc; gây lại chính quyền ta trong vùng địch tạm chiếm, kiên quyết phá tề, phá chính quyền bù nhìn trong các đô thị; tăng cường công tác phòng gian và trừ gian; sa thải các phần tử sa đọa ra khỏi bộ máy chính quyền; phổ biến sâu rộng quan niệm chính quyền dân chủ mới; ra sức tuyên truyền quốc tế và cử các phái đoàn ra nước ngoài tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng dân chủ thế giới, v.v..

Về kinh tế: Cải thiện đời sống nhân dân ta về mọi mặt, đẩy mạnh tăng gia sản xuất bảo đảm tự cấp tự túc không những song toàn quốc mà cả từng địa phương; triệt để thi hành chính sách ruộng đất đã ban hành (tạm cấp ruộng đất của Pháp và Việt gian cho dân cày, giảm địa tô chính, bỏ địa tô phụ, gây phong trào hiến ruộng, v.v.); xây dựng các hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ và vận tải, phát triển các hội đổi công, hợp công; ban hành chế độ thuế khóa mới dân chủ và công bằng; tiếp tục phát hành công phiếu kháng chiến, đặt Quỹ tham gia kháng chiến; cấm lưu hành mọi thứ bạc của địch, tẩy chay và chống thuế trong vùng địch, ra sức phá hoại kinh tế địch; điều động một số cán bộ Đảng sang công tác kinh tế - tài chính, tích cực đào tạo cán bộ kinh tế - tài chính, kể cả gửi người đi học ở nước ngoài, v.v..

Về xây dựng Đảng: Tích cực đào tạo và mạnh dạn đề bạt cán bộ; mở các lớp huấn luyện nâng cao trình độ chính trị và lý luận của đảng viên; đẩy mạnh cuộc vận động gây chi bộ tự động công tác; phát triển Đảng mạnh mẽ ở khắp nơi, nhất là ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ; xây dựng Đảng bộ ở Lào và Campuchia; ra sức gây và phát triển cơ sở Đảng trong vùng địch tạm chiếm, nhất là ở đô thị, ở các vùng dân tộc thiểu số, v.v..

Trong buổi bế mạc Hội nghị, ngày 18-1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các đại biểu phải thực hiện "phê bình và tự phê bình" để ngày càng đoàn kết, tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đưa "kháng chiến nhất định chóng thắng lợi. Kiến quốc nhất định chóng thành công”.

------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.347-350, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực