Phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tại Đại hội VI Quốc tế Thanh niên Cộng sản

Thứ tư, 11/09/2019 17:15
(ĐCSVN) - Tháng 10-1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (Phan Lan) là đại biểu chính thức dự Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản. Đồng chí thay mặt cho Thanh niên Cộng sản Đông Dương phát biểu tại Đại hội.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
(Ảnh tư liệu: baolamdong.vn)

Bài phát biểu của đồng chí có ba nội dung:

- Tình hình thanh niên Đông Dương.

- Hoạt động của thanh niên Đông Dương.

- Những nhiệm vụ trước mắt của Thanh niên Cộng sản Đoàn Đông Dương.

1. Về tình hình thanh niên Đông Dương.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, 60% trẻ em Đông Dương chết trước 10 tuổi. Những ai sống sót đều phải lao động từ khi còn rất trẻ, từ 6 đến 9 tuổi ở nông thôn lẫn khu vực công nghiệp. Nam nữ thanh niên 14 đến 18 tuổi bị tuyển mộ bằng mánh khoé hay bạo lực và đưa đi làm đồn điền trên các đảo Thái Bình Dương, chịu cảnh sống và lao động nô lệ.

Từ năm 1930 đến năm 1934, do khủng hoảng kinh tế, tiền công của thanh niên vốn đã ít ỏi, lại bị giảm đi từ 60% đến 70%. Khủng hoảng khiến cho một số lớn thanh niên nam nữ công nhân vào cảnh thất nghiệp, cùng khổ, ăn xin và mại dâm. Các chủ đồn điền Pháp lợi dụng những điều kiện khốn cùng của thanh niên để kiếm được nhân công không mất tiền. Dưới danh nghĩa từ thiện, chúng thu gom thanh niên thất nghiệp lại, bắt lao động khổ sai. Những người làm việc ở đồn điền Pháp luôn bị chủ tìm cách giảm bớt tiền công thực tế, như bằng cách lập ra cửa hàng bắt buộc thợ đến mua với giá cao.

Thanh niên phải đóng thuế thân khi đến 18 tuổi, thậm chí khi 14-16 tuổi như ở Buôn Ma Thuột, với mức thuế rất cao. Họ phải làm việc không ăn từ 31 đến 119 ngày mới đủ tiền nộp thuế. Nhiều nông dân phải bán con đẻ nộp thuế và trả nợ.

Hơn 85 % nam nữ công nhân mù chữ vì phải lao động, không thể đi học và vì Đông Dương có rất ít trường học.

Ở trường học, thực dân Pháp tìm cách biến các thanh niên Đông Dương thành những nô lệ ngoan ngoãn, dễ bảo. Đi học là đặc quyền của con nhà giàu.

2. Về hoạt động của thanh niên Đông Dương

Do tình cảnh khốn cùng không lối thoát và phong trào cách mạng thúc đẩy, thanh niên lao động và trí thức trẻ tích cực tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng từ năm 1925, đặc biệt thời kỳ 1930 - 1931. Trong tất cả các cuộc bãi công biểu tình cũng như trong phong trào Xôviết, thanh niên giữ vai trò quan trọng. Họ giúp Đảng tổ chức những Đội tự vệ để bảo vệ các cuộc biểu tình mít tinh và các cơ quan Xôviết. Nhiều đồng chí thanh niên anh dũng hy sinh khi đấu tranh cách mạng, tiêu biểu là Lý Tự Trọng.

Trong thời kỳ 1930 - 1931, thanh niên cộng sản phát triển rất nhanh chóng nhất là trong vùng Xôviết Nghệ - Tĩnh. Sau đó, khi bị khủng bố trắng, các tổ chức của thanh niên cộng sản bị phá với nhiều thanh niên bị giam cầm. Từ năm 1933, Thanh niên Cộng sản Đoàn Đông Dương đã xây dựng lại các tổ chức, tập hợp lại lực lượng, ra những báo riêng. Đoàn đã lãnh đạo phần lớn các cuộc bãi công, bãi khoá, các cuộc phản đối chống thuế và lao động khổ sai, các cuộc đấu tranh chống đế quốc trong các dân tộc thiểu số.

Tuy vậy, Đoàn còn có hạn chế như sao chép quá máy móc những hình thức và phương pháp công tác của Đảng.

3. Về những nhiệm vụ trước mắt của Thanh niên Cộng sản Đoàn Đông Dương.

Như Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và Đại hội VI Quốc tế Thanh niên Cộng sản đã chỉ ra, nhiệm vụ chủ yếu của thanh niên là lập một mặt trận nhân dân phản đế. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai phát biểu:

“Để làm tròn những nhiệm vụ này, T.N.C.S1 Đoàn phải bằng mọi cách thâm nhập vào các nhà máy, đồn điền, làng xã, trường học, bất cứ nơi nào có thanh niên, để tổ chức ở đấy những câu lạc bộ thể thao, những hội tương trợ, những lớp học buổi tối, v.v. để tranh thủ quần chúng thanh niên, dẫn dắt họ kiên quyết tranh đấu cho những yêu cầu và đòi hỏi thậm chí nhỏ nhất của họ; và, qua những cuộc tranh đấu hằng ngày ấy mà giáo dục họ theo tinh thần tranh đấu cách mạng chống sự bóc lột và áp bức đáng xấu hổ của chế độ thuộc địa, chống nguy cơ chiến tranh đế quốc, vì các quyền kinh tế, chính trị và văn hoá của thanh niên; vì nền độc lập của đất nước, vì để bảo vệ L. B. C. H. X. H. C. N. X. V2 và nước Tàu Xôviết.

Thanh niên Cộng sản Đông Dương phải thiết lập những mối liên hệ chặt và hữu ái với các tổ chức thanh niên, nhất là và các tổ chức quốc gia cách mạng và quốc gia cải lương trên cơ sở cuộc tranh đấu chống đế quốc.

Đoàn phải đặc biệt chú ý đến quần chúng nữ thanh niên và thiếu nữ các dân tộc thiểu số. Phải học những phương pháp và kinh nghiệm của Thanh niên Cộng sản Pháp và Tàu và tiếp thu sự giúp đỡ anh em của các đoàn thanh niên này. Phải hoạt động nhằm nâng cao trình độ chính trị và lý luận của các đoàn viên của mình và đào tạo những cán bộ cần thiết".

Đồng chí khẳng định: “Chính là thông qua việc thực hiện Mặt trận nhân dân phản đế mà Thanh niên Cộng sản Đông Dương sẽ tăng cường được tổ chức của mình, mở rộng được ảnh hưởng của mình, giành được đại đa số thanh niên và dẫn dắt họ tham gia công cuộc giải phóng dân tộc tham gia cuộc cách mạng phản đế và điền địa".

--------------

Chú thích:

1. T.N.C.S: Thanh niên Cộng sản.

2. L. B. C. H. X. H. C. N. X. V: Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.414-418, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực