Một góc nhìn chủ quan và phiến diện!

Thứ ba, 31/07/2012 15:29

Ngày 11-7-2012, websiteforeign policy.com (Hoa Kỳ) đã công bố bài báo "Sự cáo chung của Sự thần kỳ Việt Nam" (The End of the Vietnamese Miracle) của tác giả Geoffrey Cain...Trong bài báo này, mặc dầu thừa nhận một số thành tựu  đầy ấn tượng về phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua, tác giả cũng thể hiện một góc nhìn chủ quan và  phiến diện về triển vọng kinh tế Việt Nam...

Theo Geoffrey Cain, trong suốt hai thập kỷ kể từ sau năm 1986, khi Việt Nam tiến hành sự nghiệp đổi mới, tăng trưởng GDP đạt con số đáng nể, với mức bình quân 7,1% hằng năm. Một nước Việt Nam ổn định về chính trị, xã hội, với lực lượng lao động trẻ giá rẻ, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nổi lên như là sự lựa chọn hợp lý của các nhà đầu tư thế giới và tiếp nhận dòng đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều. Vốn ròng đổ vào Việt Nam tăng gấp hơn ba lần, lên đến 9,6 tỷ USD trong năm 2008 so với năm 2006. Việt Nam khi đó dường như là câu chuyện thành công tiếp theo của châu Á. Thậm chí Goldman Sachs đã từng cho rằng: "Việt Nam là con hổ châu Á tiếp theo đang xuất hiện"...

Tuy nhiên, Geoffrey Cain đã rất chủ quan và phiến diện khi cho rằng "điều thần kỳ Việt Nam" nêu trên có vẻ đã cáo chung. Ðồng thời, Geoffrey Cain phác họa bức tranh u ám về năm 2012 và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, với gánh nặng nợ xấu, đồng nội tệ yếu, lạm phát, tình trạng quan liêu và lợi ích nhóm hoành hành đang mất dần lợi thế cạnh tranh giá thấp. Geoffrey Cain cũng cảnh báo Việt Nam còn lúng túng trong quản lý nền kinh tế và phải thực hiện một số cải cách kinh tế cơ bản để duy trì khả năng cạnh tranh, cũng như không nên dùng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để biện hộ cho chính sách tiếp tục như cũ...

Trước hết, về khách quan, theo nhận định chung của nhiều tổ chức và chuyên gia thế giới, bốn năm qua, nhất là nửa đầu năm 2012, là giai đoạn khó khăn đỉnh cao của kinh tế thế giới. Khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu tiếp tục lan tỏa, với sự quay lại vòng xoáy suy giảm mới, thậm chí nguy hại hơn, đe dọa sự phát triển chung mọi mô thức và cơ hội phát triển của hầu hết các nước trên thế giới, trực tiếp gia tăng sức ép nợ công, với các cuộc xuống đường đòi an sinh xã hội làm rung chuyển châu Âu và nhiều châu lục khác. Trong khi đó, không gian chính sách vĩ mô và các nguồn lực công bị thu hẹp đáng kể; sự chịu đựng của khu vực doanh nghiệp và dân cư đã tới giới hạn; nhiều đầu tàu kinh tế bị mất sức kéo và ngày càng tô đậm xu hướng sự gia tăng các hàng rào bảo hộ, cũng như thắt chặt tiêu dùng, thu hẹp thị trường. Ngay tại nước Mỹ, cường quốc kinh tế số 1, "cái nôi khủng hoảng", nơi tập trung trí tuệ và sức mạnh vật chất và công nghệ hàng đầu thế giới, cũng như khu vực EU, ngót bốn năm nay vẫn đang loay hoay vật lộn tìm kiếm lối thoát và chưa thống nhất về các giải pháp khắc phục áp lực suy giảm kinh tế kéo dài. Tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, liên tiếp gia tăng thâm hụt ngân sách Nhà nước và gánh nặng nợ công, làn sóng phá sản ngân hàng, sự trầm lắng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, nạn thất nghiệp cao và nhiều đe dọa an ninh - kinh tế - xã hội truyền thống và phi truyền thống khác chưa hề có kể từ sau cuộc Ðại suy thoái 1929 - 1933...

Trong bối cảnh đó, sự phát triển kinh tế Việt Nam - với tư cách là một hợp phần hữu cơ của thế giới, là khó tránh khỏi khó khăn chung, như nhận định của bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF đầu tháng 7-2012 mới đây: "Trong thế giới kết nối toàn cầu như hiện nay, chúng ta không thể chỉ xem xét những gì đang diễn ra ở từng nước. Cuộc khủng hoảng này không phân biệt biên giới, mà đang gõ cửa tất cả các quốc gia trên thế giới". Ðối với Việt Nam, những khó khăn càng phức tạp hơn, bởi vừa phải chịu áp lực của quá trình tăng tốc chuyển đổi nền kinh tế (vừa ra khỏi mức chậm phát triển) từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường, từ phương thức phát triển chủ yếu bề rộng sang bề sâu,  mở cửa và hội nhập ngày càng sâu, rộng và đầy đủ, cạnh tranh với các nền kinh tế khu vực và thế giới; đồng thời, vừa phải chịu áp lực giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

Hơn nữa, cần thấy rằng, hầu hết khó khăn kinh tế của Việt Nam mà Geoffrey Cain nêu trên đều đã sớm được nhận diện và đang từng bước được giải quyết. Nghị quyết Ðại hội XI và các Nghị quyết Hội nghị Trung uơng 3, 4 và 5 của Ðảng Cộng sản Việt Nam vừa qua, cũng như trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hội nghị và các văn bản chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước Việt Nam các cấp, đã nhấn mạnh yêu cầu xúc tiến xây dựng, triển khai các đề án tạo các đột phá về thể chế (trước hết là thể chế kinh tế), đột phá về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ, lành nghề và đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng. Trước mắt, Việt Nam đang xây dựng và từng bước triển khai các đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung tái cơ cấu đầu tư (trước hết là đầu tư công); tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính.

Ðồng thời, không thể không thấy rằng, Việt Nam đã khá thành công trong chủ động kiềm chế lạm phát theo kế hoạch (chính Geoffrey Cain đã phải thừa nhận, Việt Nam đã giảm lạm phát từ 23% vào tháng 8-2011 xuống còn 6,9% trong tháng 6-2012 so cùng kỳ năm trước); duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao trên thế giới và trung bình của khu vực (GDP 6 tháng đầu năm 2012 tăng 4,38%); bảo đảm an sinh và ổn định chính trị-xã hội... Việt Nam đã có nhiều quyết sách đúng đắn cần thiết kiểm soát và giải tỏa tình trạng nợ xấu (từ 10% xuống còn dưới 8%); giữ vững sự ổn định tỷ giá VNÐ, cải thiện dự trữ quốc gia và chủ động kiểm soát và giữ vững sự ổn định thị trường ngoại hối, khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản; linh hoạt giảm tải chi phí cho doanh nghiệp cả về nghĩa vụ tài chính, lãi suất tín dụng và thể chế quản lý, giảm tình trạng hàng tồn kho (từ trên 34% trong quý 1-2012 xuống hiện còn dưới 29%). Xuất khẩu sáu tháng đầu năm ước đạt 53,33 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước và đã đạt trạng thái xuất siêu khoảng 300 triệu USD trong tháng 6-2012. Vị thế và quan hệ quốc tế của Việt Nam không ngừng được củng cố, nâng cao. Về triển vọng trung hạn, Việt Nam vẫn là nơi đầu tư ít rủi ro nhất, điểm đến và sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, nhất là từ các nền kinh tế thị trường và có nền công nghiệp phát triển, như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... Vì vậy, đầu tháng 6-2012, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) của Mỹ đã nâng triển vọng của Việt Nam từ tiêu cực lên mức ổn định, nâng đánh giá từ mức tiêu cực của Vietinbank và BIDV lên mức ổn định. Trong tương quan với các nước ASEAN khác, xếp hạng dài hạn của Việt Nam được nâng lên axBB+ từ mức axBB. Theo S&P đánh giá, các rủi ro về kinh tế vĩ mô và ổn định tài chính đối với Việt Nam đã giảm xuống. Những chỉ số chủ chốt như tăng trưởng tín dụng, dự trữ ngoại hối và lãi suất tiền đồng đã được cải thiện trong 18 tháng qua. Cùng chung nhận định này, trong báo cáo về Việt Nam mà ANZ mới công bố ngày 23-7-2012, tính chung mức cả năm 2012, GDP sẽ tăng trưởng ở mức 5,5 - 5,7% (so với mức 6 - 6,5% Quốc hội giao; và theo Hội nghị tổng kết công tác sáu tháng của ngành Kế hoạch và Ðầu tư ngày 4-7-2012, Việt Nam sẽ đạt được 14/15 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao năm 2012); VNÐ chỉ giảm giá 2%; lạm phát sẽ ở mức 6-7% và sẽ vẫn dừng ở mức 1 con số trong năm 2013 nếu không có những đột biến trong nuớc và quốc tế nào khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang có những đổi mới quan trọng về điều hành kinh tế. Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện một Luật Doanh nghiệp chung duy nhất cho tất cả các doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ Luật Doanh nghiệp Nhà  nước (từ năm 2010). Sự bình đẳng về điều kiện đấu thầu, giao đất, cho vay và tỷ lệ tín dụng khu vực tư nhân trong tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại ngày càng cao. Các ý kiến phản biện xã hội từ mọi tầng lớp dân cư, doanh nghiệp và nhà khoa học, kể cả trí thức là người Việt ở nước ngoài, đã được lắng nghe và xử lý trong các quyết sách lớn của Ðảng và Nhà nước. Các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội đã được truyền hình trực tiếp. Việt Nam cũng đã thông qua quy chế lấy phiếu tín nhiệm bắt buộc và định kỳ cho tất cả chức danh được Quốc hội bầu. Trách nhiệm nghiên cứu thấu đáo và giải trình của người đứng đầu được nâng cao. Sự minh bạch và thuận lợi trong tiếp cận thông tin ngày càng được cải thiện. Hiện 96,6% các bộ, ngành có website riêng, 100% các tỉnh, thành phố có cổng thông tin điện tử, 83,6% các thông tin chỉ đạo ban hành được đưa lên mạng. Báo cáo xếp hạng mới nhất của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử đã đưa Việt Nam từ vị trí thứ 90 (2010) lên vị trí thứ 83 (2012), đứng thứ tư trong khu vực Ðông - Nam Á, sau Singapore, Malaysia và Brunei... Theo báo cáo trong tháng 6-2012 của Ngân hàng HSBC, giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam đã qua. Ðồng thời, HSBC cũng đánh giá cao việc Bộ Công thương soạn thảo chiến lược các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài để phát triển các cụm công nghiệp như là những bước đi cần thiết để Việt Nam tăng năng suất của nền kinh tế và giảm bớt sự phụ thuộc vào mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào đầu vào.

Giải bài toán tái cấu trúc, vượt qua suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội hiện nay, với nhiều thách thức, vấn đề và tính chất chưa hề có tiền lệ trong bối cảnh một thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, đòi hỏi sự đổi mới và sự kết hợp hài hòa giữa thị trường và Nhà nước, là một quá trình phức tạp của mỗi quốc gia và cả thế giới đương đại. Với truyền thống và kinh nghiệm quý báu, với tư duy và quyết tâm chính trị mới, với vị thế, thành quả và các nguồn lực mới, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục sáng tạo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đẩy nhanh hơn công cuộc Ðổi mới và hội nhập toàn diện, tiếp tục phát triển ấn tượng và bền vững hơn.

Với tinh thần đó, có thể nói, "Sự thần kỳ Việt Nam" không phải đã kết thúc, mà thật sự đã và đang trỗi dậy trong xu thế hội nhập./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực