Những luận điệu luẩn quẩn và cũ rích

Thứ sáu, 20/07/2012 10:23

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo thường niên về nhân quyền trên thế giới trong năm 2011. Ngày 26/5/2012, đánh giá nhận xét về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của văn bản này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định: Báo cáo "vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam"...

Nhiều năm qua, bất chấp tình huống luôn bị phản ứng gay gắt, mỗi năm một lần, qua Báo cáo thường niên về nhân quyền trên thế giới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại tự cho mình "quyền" phán xét tình hình nhân quyền của các nước khác, trừ Hoa Kỳ. Ngày 24/5, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo thường niên về nhân quyền trên thế giới năm 2011 (Báo cáo 2011), trong đó tiếp tục phán xét tình hình nhân quyền ở hàng trăm quốc gia. Ngay lập tức, Báo cáo 2011 đã bị phản ứng gay gắt. Bộ Ngoại giao Cu-ba coi Báo cáo 2011 đề cập tới tình hình nhân quyền ở Cu-ba qua các thông tin "dối trá và vu cáo, vô căn cứ, không đúng thực tế". Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Báo cáo 2011 là "tài liệu mang đầy tính phân biệt đối xử", "coi thường sự thật", đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ "chấm dứt hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác"...

Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo 2011, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã đánh giá văn bản này: "Trong khi có ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người cho nhân dân Việt Nam, nhưng đáng tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam". Qua 48 trang đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Báo cáo 2011 đưa ra nhiều nhận xét rất phiến diện, sai lệch. Bởi, nếu thật sự am hiểu tình hình nhân quyền ở Việt Nam, có cái nhìn khách quan trong điều kiện Việt Nam dù hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nhưng vẫn nhất quán xác định quan điểm, mục tiêu, chính sách cụ thể và thiết thực... từ đó xây dựng điều kiện thiết yếu, bảo đảm cho mọi người dân được hưởng quyền con người, được phát triển mọi mặt, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, thì những người soạn thảo Báo cáo 2011 cần tập hợp thông tin nhiều chiều, đặc biệt là cần nắm bắt chính xác nguồn gốc thông tin... Ðáng tiếc, Báo cáo 2011 tiếp tục là sự lặp lại một số luận điệu cũ rích, thậm chí là lặp lại một số sự kiện - vấn đề từ góc nhìn xuyên tạc, bôi đen, dựng đứng, bịa đặt mà các thế lực thù địch với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường rêu rao trên in-tơ-nét, hoặc truyền bá trên một vài diễn đàn được tổ chức với mục đích chống phá, gây tổn hại tới hình ảnh của nước Việt Nam đang trên đường phát triển.

Nói là cũ rích, vì những người soạn thảo Báo cáo 2011 đưa ra nhận định có tính chất vu khống là coi bầu cử Quốc hội năm 2011 ở Việt Nam "không công khai, không công bằng". Họ đã bất chấp thực tế hiển nhiên là Quốc hội Việt Nam đã, đang vận hành theo tinh thần đổi mới và luôn nhận được sự tin cậy, ủng hộ của nhân dân cả nước. Nói là cũ rích, bởi Báo cáo 2011 tiếp tục đánh đồng tự do báo chí, tự do tôn giáo với hành vi lợi dụng tự do báo chí, lợi dụng tự do tôn giáo để tuyên truyền chống phá Nhà nước, vi phạm pháp luật và đã bị chính quyền xử lý nghiêm khắc. Nói là cũ rích, bởi Báo cáo 2011 vẫn bao che, chạy tội cho mấy "nhà dân chủ cuội" đã cố tình phạm pháp, cố tình gây nhiễu đời sống tinh thần xã hội, hòng kiếm chác từ tài trợ của mấy kẻ là người Việt lưu vong đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Nói là cũ rích, vì đã nhiều lần, những người soạn thảo Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thực hành một nguyên tắc đánh giá rất kỳ quặc, cùng là hành động để bảo đảm sự nghiêm minh của luật pháp, khi chính quyền Hoa Kỳ thực thi thì họ tảng lờ, còn khi chính quyền Việt Nam thực thi thì họ phê phán! Thí dụ: Báo cáo 2011 coi việc cơ quan chức năng của Việt Nam thực thi pháp luật là "đàn áp", mà quên (hay cố tình quên?) sự kiện: Cảnh sát Hoa Kỳ đã bắt giữ gần 1.000 người chỉ hai tuần sau khi những người tham gia phong trào "Chiếm phố Uôn" tổ chức biểu tình. Khi cho rằng, Việt Nam "tiếp tục dùng các điều khoản an ninh quốc gia và chống vu khống rộng khắp để hạn chế tự do ngôn luận, trong đó có tự do báo chí... các phóng viên nước ngoài phải xin lại visa mỗi ba hay sáu tháng" thì chẳng lẽ những người soạn thảo Báo cáo 2011 lại không biết tới sự kiện trong năm 2011, Thượng nghị viện và Hạ nghị viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu gia hạn các điều khoản về giám sát chống khủng bố trong khuôn khổ Ðạo luật Yêu nước - đạo luật mà nhiều nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa khẳng định: "Luật này có thể bị lạm dụng, vi phạm quyền của công dân Mỹ". Còn nhiều sự kiện nữa có thể dẫn ra để chứng minh những người soạn thảo Báo cáo 2011 là thiếu thiện chí. Ví như việc bà M.Ô-ba-ma - Phu nhân Tổng thống B.Ô-ba-ma, không cho phép hai con gái sử dụng Facebook, bà nói: "Tôi không ủng hộ việc trẻ em sử dụng Facebook". Ngay cả Tổng thống B.Ô-ba-ma cũng vậy, tới thăm một trường trung học ở Vơ-gi-ni-a, ông nhắc nhở "Hãy cẩn thận về những gì đăng tải trên Facebook" vì chúng "làm ảnh hưởng đến cuộc sống thực của chúng ta vào một lúc nào đó, tại một thời điểm nào đó trong tương lai".

Có một điều cần nhấn mạnh là, để tiến hành các đánh giá, nhận xét về vấn đề nhân quyền của nước khác, dường như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thói quen khai thác thông tin một chiều, không phân định đúng - sai, không tìm hiểu xuất xứ thông tin? Như một số nhân vật được Báo cáo 2011 gọi là "nhà hoạt động nhân quyền" ở Việt Nam chẳng hạn. Nếu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thiện chí, sẽ không khó để nhận ra đó chỉ là một nhóm các phần tử cơ hội chính trị, lợi dụng vấn đề dân chủ và nhân quyền để "đấu tranh" cho lợi ích cá nhân. Họ chỉ có việc làm duy nhất là hằng ngày "lướt web" rình chộp tin tức về các sự kiện tiêu cực rồi bới móc, bịa đặt, vu cáo, thổi phồng, từ đó bôi đen các giá trị và chính sách ưu việt của Nhà nước Việt Nam,... Do vậy, khi thông tin về tình hình nhân quyền ở Việt Nam mà Báo cáo 2011 đã đề cập chủ yếu khai thác từ kênh thông tin do các thế lực thù địch với Nhà nước và nhân dân Việt Nam truyền bá trên in-tơ-nét, từ một số cơ quan báo chí nước ngoài như BBC, RFA... vốn chưa bao giờ có thiện chí với Việt Nam, thì có thể nghi ngờ tính khách quan và thái độ thiện chí của bản báo cáo này.

Ðể sáng tỏ vấn đề nói trên, những người soạn thảo Báo cáo 2011 nên tìm đọc các bài viết, xem các vi-đê-ô clíp của nhóm nhà báo là người Mỹ gốc Việt làm việc tại Phố Bolsa TV, Việt Weekly, kbchn.net công bố trên in-tơ-nét sau những chuyến về thăm quê hương. Họ được tự do đi lại, được tiếp xúc với mọi thành phần xã hội, từ lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đến học sinh, sinh viên, người lao động bình thường. Họ tận mắt chứng kiến sự phát triển của nước Việt Nam hôm nay. Họ nhận ra sự thật đã bị xuyên tạc. Một nhà báo từng là sĩ quan biệt động của chính quyền Sài Gòn trước đây, đã vừa khóc vừa nói trong một vi-đê-ô clíp: "Hãy về Việt Nam, không đi không thấy, đã nhìn rồi thì phải tin, đã tin rồi thì phải chấp nhận sự thật, sự thay đổi đất nước Việt Nam, quê hương rất thanh bình, quê hương trong 36 năm qua đang trên đà phát triển, tin vào một ngày Việt Nam sẽ trở thành một con rồng châu Á". Rồi ông viết trên một tờ báo xuất bản ở Hoa Kỳ: "Tôi chỉ nhận thấy cộng sản Việt Nam thay đổi khi tôi về Việt Nam và chứng kiến tận mắt cận cảnh từ Hà Nội vào Sài Gòn và miền Tây. Tôi tự do "mướn xe" khách đi về Long Khánh. Tôi không hề phải khai báo với ai khi đi cũng như khi về và xe mướn của tôi hoàn toàn không bị chặn hỏi xét giấy. Ở lại đêm tại Long Khánh không ai đến nhà gõ cửa hỏi thăm về tội "cư ngụ bất hợp pháp" hoặc "ở lại đêm không khai báo". Do đó, tôi không tin là Việt Nam có thay đổi trước chuyến đi Việt Nam. Tôi chỉ thay đổi 180 độ sau khi về nhận thức điều mắt thấy, tai nghe và qua những lần nói chuyện với một số lãnh đạo cao cấp từ hành chánh, cơ quan chính phủ, công an...". Tuy nhiên sự nghiệp đổi mới của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam lại không làm "vừa lòng" một số người mà nói như GS Trần Chung Ngọc - một người Mỹ gốc Việt, là còn "thiếu trí khôn"! Ðó là những người vẫn không "nuốt trôi" thất bại gần 40 năm trước, những người đã không đủ lương thiện để tin vào một cuộc đổi đời của nhân dân Việt Nam. Ðó là những người mà tinh thần yêu nước chỉ là chiêu bài giúp họ đạt tới các mục đích cá nhân thấp kém, trục lợi và "đánh bạc" trên lưng đồng bào mình. Bởi thế, nếu khi soạn thảo Báo cáo 2011 mà dựa trên các thông tin của họ đưa ra là tiếp tay cho cái xấu, là đi ngược lại xu thế hợp tác cùng phát triển của nhân loại.    

Năm 2010, nói chuyện với sinh viên Trường đại học Ngoại thương tại Hà Nội, đề cập tới quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cựu Tổng thống Bin Clin-tơn nói: "Tất cả các công việc này chúng ta làm cùng nhau, giúp chúng ta lắng nghe, thêm hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, để cải thiện khởi đầu mới. Quan hệ không thể nở hoa sau một đêm, nhưng có thể đem lại kết quả qua thời gian, bằng những nỗ lực chung", đây cũng là điều mà nhiều vị lãnh đạo và chính khách Hoa Kỳ đã nhấn mạnh trong các năm qua. Gần đây, tới thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lê-ôn Pa-nét-ta cũng khẳng định: "Chúng ta xây đắp một quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai nước để nhìn tới tương lai". Ðó là ý kiến rất xác đáng, không chỉ phù hợp quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn phù hợp xu thế chung của sự phát triển trong thế giới hiện đại. Do vậy để đánh giá, nhận xét vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, Hoa Kỳ cần tôn trọng sự lựa chọn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhìn thẳng vào những cố gắng và các thành tựu, từ đó nỗ lực hợp tác để quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Tin rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ thay đổi cách thức nhìn nhận và đánh giá, để không còn luẩn quẩn với những điều cũ rích, can thiệp một cách thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực