“An toàn thông tin trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh”

Thứ sáu, 30/11/2018 14:06
(ĐCSVN) - Đó là chủ đề của Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) tổ chức.

Năm nay, Ngày An toàn thông tin Việt Nam diễn ra trong xu thế chung thế giới bắt đầu vào thời kỳ của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các sản phẩm, dịch vụ thông minh. Trong bối cảnh đó, bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) sẽ phải đối mặt với thách thức lớn và phải có sự chuyển đổi để phù hợp với xu thế phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). ATTT cũng phải dựa trên “công nghệ thông minh” mới có thể đáp ứng được những nhu cầu phát triển của xã hội.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018. Ảnh: ĐT

Trong bài phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định, trong thời gian tới, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet của vạn vật (IoT) sẽ là hai khái niệm luôn được đề cập cùng nhau. IoT sinh ra lượng dữ liệu cực lớn, còn AI giúp phân tích và xử lý lượng dữ liệu này. Và AI chỉ hiệu quả khi có một lượng dữ liệu đủ lớn để phân tích.

IoT sẽ tăng rất nhanh với số lượng thiết bị IoT rất lớn và nguy cơ mất an toàn thông tin từ các thiết bị này cũng rất cao. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 7 tỷ thiết bị IoT và đến năm 2025, sẽ có khoảng 21 tỷ thiết bị IoT, chiếm khoảng 65% tổng số lượng thiết bị kết nối mạng trên toàn cầu. Các chuyên gia ước tính, hiện nay có tới khoảng 70% các thiết bị IoT có nguy cơ bị tấn công mạng. Đây là một nguy cơ rất lớn đối với thế giới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Việt Nam hiện có khoảng 350.000 thiết bị IoT công khai trên mạng Inernet, hầu hết là các thiết bị camera giám sát, router; trong đó khoảng trên 40% thiết bị có khả năng bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng an toàn thông tin đã biết.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: “Có thể thấy được một nguy cơ hiện hữu trong thời gian tới, đó là mã độc sẽ ngày càng thông minh hơn và môi trường hoàn hảo cho chúng là mạng lưới các thiết bị IoT”. Đây là một thách thức lớn mà các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng tại Việt Nam phải lưu ý, quan tâm xử lý để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến.

An toàn, an ninh mạng là cuộc đua, cuộc chiến lâu dài không có hồi kết, bất cứ công nghệ tiên tiến nào đều có thể sử dụng theo hướng tích cực hay tiêu cực. Trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, sự phát triển của AI và IoT sẽ khiến chúng ta nhìn nhận lại nhiều vấn đề có thể phải thay đổi một số quan niệm, thói quen lên mạng, Thứ trưởng lưu ý.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nhấn mạnh quan điểm, lĩnh vực an toàn thông tin là lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn có thể có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa nếu so sánh với các lĩnh vực khoa học công nghệ khác. Về cơ bản, an toàn thông tin dựa vào nguồn nhân lực, không quá phụ thuộc vào hạ tầng. Một trong những rào cản lĩnh vực an toàn thông tin Việt Nam vươn ra thế giới chính là cần tạo niềm tin mạnh mẽ hơn nữa giữa các lực lượng trong xã hội. Niềm tin chính là chìa khóa đi đến thành công trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng.

Để thúc đẩy công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến công tác đảm bảo an toàn thông tin; Thường xuyên cập nhật kiến thức, công nghệ mới cho cán bộ, hệ thống kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng điều kiện phòng, chống các cuộc tấn công mạng.

Cộng đồng doanh nghiệp an toàn thông tin cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phòng chống hiệu quả hơn các nguy cơ tấn công mạng liên tục thay đổi. Đồng thời, cần tăng cường trao đổi, hợp tác, chia sẻ để gắn kết thành một cộng đồng mạnh, thể hiện sức mạnh của thương hiệu Việt, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Về phía Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị VNISA cần tiếp tục thể hiện vai trò của mình trong lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng; thực hiện tốt hơn vai trò hạt nhân trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam. Bên canh đó, cần đẩy mạnh hoạt động gắn kết cộng đồng doanh nghiệp an toàn thông tin nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin đáp ứng nhu cầu của thực tế.

Tại Hội thảo, điểm nhấn được các đại biểu tập trung thảo luận đó là “Báo cáo thực trạng an toàn thông tin Việt Nam 2018” và các chỉ số đánh giá của VNISA; các phiên hội thảo chuyên đề với các chủ đề: Chuyển đổi số, IoT và bảo mật dữ liệu; Công nghệ AI, điện toán đám mây và bảo đảm an toàn thông tin. Ngoài ra, còn có tham luận của các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế… về các vấn đề liên quan tới bảo vệ thông tin người dùng, bảo đảm an toàn thông tin cho IoT, điện toán đám mây dựa trên công nghệ AI phục vụ cho thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Song hành cùng Hội thảo là khu Triển lãm với 25 gian hàng của các Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong  và ngoài nước nhằm giới thiệu, trình diễn các sản phẩm, công nghệ an toàn thông tin tiên tiến nhất.

Điểm đặc biệt, năm nay có một khu vực mang tính chuyên môn cao là Khu vực trình diễn Công nghệ An toàn thông tin. Khu vực này dành riêng cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các kỹ sư về an toàn thông tin giới thiệu các sản phẩm, các demo công cụ mới nhất về bảo mật, an toàn thông tin. Đối tượng dự nghe và tương tác là cán bộ, chuyên gia CNTT, an toàn thông tin thuộc các Bộ, ngành; Giáo viên, Sinh viên khoa CNTT, an toàn thông tin của các Học viện, Nhà trường…

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018, nhiều hoạt động khác được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn thông tin, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về an toàn thông tin và khuyến khích ứng dụng, phát triển sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin nội địa, bao gồm: Cuộc thi quốc gia Sinh viên với An toàn thông tin 2018; Khảo sát thực trạng về an toàn thông tin trên phạm vi toàn quốc và công bố Chỉ số an toàn thông tin; Chương trình bình chọn danh hiệu “Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao”, “Sản phẩm an toàn thông tin mới xuất sắc” và “Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu” năm 2018; Khoá đào tạo nâng cao về an toàn thông tin (miễn phí)./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực