Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của ông Triệu Văn Hoa

Thứ hai, 06/07/2020 10:45
(ĐCSVN) - Phúc đáp công văn số 102/ĐĐBQH-VP của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn về việc đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, trả lời kiến nghị của ông Triệu Văn Hoa, trú tại thôn Khòn Riềng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn;
leftcenterrightdel
Các CCB tại thành phố Hoà Bình từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc thường xuyên gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm trong những năm tháng không thể quên  (Ảnh minh họa)

Phúc đáp công văn số 102/ĐĐBQH-VP của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn về việc đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, trả lời kiến nghị của ông Triệu Văn Hoa, trú tại thôn Khòn Riềng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn; với nội dung:

“1. Đề nghị xem xét điều chỉnh thêm Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ do mức lương nghỉ hưu rất thấp so với các Nghị định khác, cụ thể bản thân ông có quân hàm Thiếu tá nghỉ hưu ở Nghị định này lại thấp hơn so với các sĩ quan ở Nghị định khác, Thiếu tá lại ít hơn, thấp hơn anh Đại úy, thậm chí có anh lại lương hưu bằng nhau.

2. Đề nghị xem xét về sĩ quan Quân đội phục vụ chiến đấu, chiến tranh biên giới phía Bắc đã nghỉ hưu, tại sao lại chưa được hưởng tiền trực tiếp chiến đấu ở biên giới. Trong khi đó các sĩ quan nghỉ hưu sau và đang tại ngũ lại được hưởng chế độ.

3. Đề nghị xem xét về huân chương các loại như huân chương niên hạn, hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương chiến công; tại sao sĩ quan đã nghỉ hưu lại không được hưởng chế độ hỗ trợ bằng tiền, mà sĩ quan nghỉ hưu sau và đang tại ngũ lại được hưởng chế độ”.

Ngày 28/6/2020, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:

Nội dung thứ nhất:

Nội dung này, Bộ Quốc phòng đã có Công văn số 8805/BQP-BHXH ngày 11/8/2018 về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Lạng Sơn gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (đợt 2). Theo quy định của Chính phủ, người lao động (trong đó có quân nhân) nghỉ hưu ở mỗi giai đoạn có cách tính lương hưu khác nhau, cụ thể:

Nghỉ hưu theo Nghị định số 236-HĐBT ngày 28/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng thì tiền lương để tính lương hưu hàng tháng là tháng lương cuối cùng hiện hưởng trước khi nghỉ hưu; nghỉ hưu theo Nghị định 45/CP thì tiền lương để tính lương hưu là tiền lương bình quân của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Theo đó, tiền lương hưu hằng tháng phụ thuộc vào các yếu tố: Thời gian đóng BHXH (thời gian công tác); mức tiền lương làm căn cứ tính lương hưu (hệ số tiền lương, thời gian giữ bậc lương, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề,…); cách tính lương hưu (tiền lương tại thời điểm nghỉ hưu hoặc tiền lương bình quân để tính lương hưu); tỷ lệ % hưởng lương hưu và thời điểm hưởng lương hưu.

Với quy định trên, người lao động có cùng thời gian đóng BHXH, cùng tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, cùng tỷ lệ % hưởng lương hưu và cùng thời điểm hưởng lương hưu thì lương hưu là bằng nhau. Ngược lại, người lao động không cùng một trong các điều kiện nêu trên, hoặc có cùng các điều kiện nêu trên nhưng thời điểm hưởng lương hưu khác nhau thì lương hưu cũng khác nhau.

Do đó, mỗi chế độ chính sách đều có tính thời điểm nhất định, đối tượng nghỉ hưu ở thời điểm nào thì được hưởng lương hưu tương ứng với chế độ, chính sách thời điểm đó. Khi Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở thì các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng cũng được điều chỉnh mức hưởng.

Nội dung thứ hai:

Theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc thì một trong các điều kiện để được hưởng chế độ, chính sách theo quyết định nêu trên là đối tượng không thuộc diện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng. Việc quy định đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách theo Quyết định nêu trên đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, cân nhắc kỹ, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ, trình Bộ Chính trị cho chủ trương; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và cân đối chung với các chế độ, chính sách đã ban hành. Mặt khác, đây là chính sách nhằm hỗ trợ, động viên những người đã trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế nhưng hiện không có chế độ hàng tháng (chế độ hưu trí, chế độ bệnh binh, chế độ mất sức lao động hàng tháng); không phải chính sách áp dụng chung đối với tất cả các đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Do vậy, tất cả các trường hợp mặc dù có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hoặc làm nhiệm vụ quốc tế nhưng hiện nay đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng hoặc đang công tác hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (bao gồm cả sĩ quan nghỉ hưu hoặc đang tại ngũ) đều không thuộc đối tượng hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định nêu trên.

Nội dung thứ ba:

Việc thưởng tiền kèm theo các hình thức khen thưởng chỉ áp dụng đối với các hình thức khen thưởng quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng và được thực hiện từ ngày Luật Thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội có hiệu lực (01/7/2004). Theo đó, việc thưởng tiền kèm theo Huy chương chiến sĩ vẻ vang được áp dụng đối với các quyết định khen thưởng từ ngày 01/7/2004. Các trường hợp được khen thưởng Huân, Huy chương chiến sĩ vẻ vang trước ngày 01/7/2004 không có tiền thưởng kèm theo.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực