Bổ sung quy định giải quyết tố cáo người đã nghỉ hưu

Thứ hai, 26/06/2017 15:25
(ĐCSVN)- Tại kỳ họp thứ 3, thảo luận về Luật tố cáo (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp đồng tình với quy định là nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi, vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp

Theo đại biểu Mai Hoa nguyên tắc này được xây dựng để xử lý một vấn đề có tính thời sự hiện nay. Công luận đòi hỏi phải xử lý nhưng do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, cho nên các cơ quan chức năng có lúng túng trong quá trình triển khai, vì vậy tôi nghĩ nguyên tắc này rất cần thiết. Tuy nhiên, khi nghiên cứu đại biểu có hai băn khoăn:

Băn khoăn thứ nhất, sự thiếu thống nhất giữa Điều 12 và Điều 1 của dự thảo luật. Khoản 1 Điều 1 chỉ điều chỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ. Nhưng Điều 12 lại quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với người đã nghỉ hưu, người không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy, thiếu sự thống nhất giữa hai điều luật. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải chỉnh sửa khoản 1, Điều 1 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với người đã nghỉ hưu, đã chuyển công tác cho phù hợp với quy định tại Điều 12. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các hình thức xử lý phù hợp với các đối tượng này hoặc phải sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nhằm bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi của luật.

Băn khoăn thứ hai, việc dự thảo luật giao thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với người đã nghỉ hưu trong người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi người đó đã công tác trước đây. Rõ ràng quy định về việc xử lý người đã nghỉ hưu mà cũng được áp dụng tương tự như đối với người đương nhiệm tôi nghĩ là không phù hợp. Nếu theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật Cán bộ, công chức và Điều 52 của Luật Viên chức thì hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là cách chức, bãi nhiệm, giáng chức và cho thôi việc. Vì vậy, đối với người đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác thì rõ ràng rất là khó áp dụng các hình thức kỷ luật này. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi chúng ta xử lý một vài trường hợp mà có áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với một số cán bộ đã nghỉ hưu nhưng trong dư luận xã hội vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.

Bên cạnh đó, đại biểu thấy băn khoăn khi giao thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với người đã nghỉ hưu cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác trước đây và đại biểu cho rằng rằng như vậy là khó bảo đảm được tính khách quan, chính xác.

“Xét về mặt lý thuyết, theo cơ chế hiện nay, việc sai phạm của một cá nhân, thì phía sau cá nhân đấy chúng ta cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của một bộ máy đó là cấp Ủy đảng, Ban lãnh đạo. Xét về mặt tình thì giữa người tố cáo, giữa người bị tố cáo và người được giao thẩm quyền giải quyết tố cáo thì thường có các mối quan hệ với nhau, đó có thể là quan hệ tình đồng nghiệp, tình đồng chí, cũng có thể là quan hệ thân hữu, quan hệ cấp trên, cấp dưới trước đây hoặc quan hệ giữa người kế nhiệm và người tiền nhiệm.

Thêm nữa, tất cả những mối quan hệ đó chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới tính khách quan trong quá trình giải quyết. Vì vậy, tôi đề nghị để bảo đảm việc giải quyết tố cáo được khách quan, chính xác thì đề nghị không giao thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với người đã nghỉ hưu cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi người đó đã công tác trước đây, mà nên giao cho một bên thứ ba thực hiện, chẳng hạn như cơ quan thanh tra nhà nước hoặc là cơ quan cấp trên một cấp” – đại biểu Mai Hoa bày tỏ.

Ngoài ra, đại biểu Mai Hoa có ý kiến về hình thức tố cáo và vấn đề có xử lý tố cáo nặc danh hay không. Đại biểu đồng ý với dự thảo luật quy định hai hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp và không giải quyết đối với tố cáo nặc danh. Có thể thấy tình hình tố cáo ở nước ta tuy có lúc tăng, lúc giảm, nhưng nhìn chung thì diễn biến rất là phức tạp và mặc dù các cơ quan chức năng chỉ tập trung giải quyết tố cáo đối với những trường hợp tố cáo có tên, địa chỉ của người tố cáo và các hình thức như là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp như là quy định của luật hiện hành.

Qua báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo hàng năm của Chính phủ thì cho thấy, trong thực tế chúng ta vẫn chưa giải quyết dứt điểm hết đối với những tố cáo có ghi rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo. Mặc dù hiện nay có thể có một số văn bản pháp luật, chẳng hạn Luật Phòng, chống tham nhũng cũng ghi nhận việc mở rộng các hình thức tố cáo nhưng cũng chỉ điều chỉnh trong một số lĩnh vực nhất định, chưa mở rộng hình thức với tố cáo nói chung. Do đó, để bảo đảm tính khả thi của luật và để bảo đảm luật có hiệu lực trên thực tế thì đại biểu đề nghị dự thảo luật lần này chỉ nên tập trung giải quyết những tố cáo có ghi rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, đồng thời chưa mở rộng các hình thức tố cáo khác mà trước mắt nên tập trung giải quyết tốt đối với các hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp, tức là mang tính pháp lý cao như quy định hiện hành và đến thời điểm nào đấy là chúng ta có đủ điều kiện thì chúng ta sẽ tính tiếp việc có mở rộng hay không. Đồng thời, đại biểu đồng ý với đề xuất của một số đại biểu đã phát biểu trước tôi là cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo để họ tự tin thực hiện quyền tố cáo mà không cần thực hiện hình thức tố cáo nặc danh.

Về quy định rút tố cáo, quan điểm của đại biểu là người tố cáo không thể tùy tiện trong việc tố cáo cũng như việc rút tố cáo, và bên cạnh đó, việc xem xét, xác minh nội dung tố cáo đúng hay sai thì không thuộc trách nhiệm của người tố cáo và cho dù người đó có rút đơn tố cáo hay không thì cũng không chấm dứt trách nhiệm của cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Hơn nữa, quy định này cũng có thể bị lạm dụng như một số đại biểu đã phân tích. Vì vậy, đề nghị không quy định việc rút tố cáo trong dự thảo luật lần này.

Về bảo vệ người tố cáo, đại biểu đồng tình với rất nhiều ý kiến đại biểu trước tôi, tức là cần phải tập trung, làm rõ việc bảo vệ người tố cáo trong dự thảo luật lần này. Trong thực tế, việc tố cáo của công dân là cơ sở quan trọng đối với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng lại có thể gây nguy hiểm cho bản thân người tố cáo và gia đình họ. Do đó, trách nhiệm của nhà nước là phải bảo vệ người tố cáo và điều này thể hiện bản chất của một nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc bảo vệ người tố cáo đang rất khó và ngay cả khi nghiên cứu dự thảo luật lần này thì vẫn chưa yên tâm. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong thời gian tiếp theo, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ thêm để làm cụ thể, làm rõ thêm những quy định liên quan tới việc bảo vệ người tố cáo./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực