Cần hoàn thiện chính sách giá đất

Thứ sáu, 22/02/2019 13:56
(ĐCSVN) - Để nâng cao năng lực quản lý đất đai về giá đất, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách về giá đất góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập với kinh tế thế giới.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: H.V)

Thông tin trên được các đại biểu cho biết tại buổi Tọa đàm “những vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam” do Trường đại học Kinh tế Quốc dân và Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) tổ chức mới đây.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù, Luật Đất đai 2013 có nhiều tiến bộ so với Luật Đất đai 2003 trong vấn đề giá đất, như đã tiếp cận và thể hiện đầy đủ vấn đề về tài chính đất đai theo cơ chế thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và đảm bảo ổn định xã hội… song, qua quá trình thi hành, Luật đã xuất hiện một số bất cập.

TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, có 4 bất cập về giá đất, đó là: giá đất thấp xa so với thị trường ở mọi thời điểm; nguồn thu từ đất đang bị thất thoát, trong đó, có việc định giá đất bởi tài chính đất đai là vấn đề rất quan trọng trong pháp luật đất đai; cách tính giá đất hiện nay đối với các dự án bất động sản (BĐS) là một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà lên cao; phương pháp xác định giá đất vẫn còn hạn chế.

Đây chính là một trong những nguyên nhân làm giá nhà tăng cao liên tục vì hệ số đơn giá đất liên tục tăng hàng năm, thậm chí từng quý.

Để nâng cao năng lực quản lý đất đai về giá đất, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách về giá đất góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập với kinh tế thế giới. Giải pháp cho vấn đề định giá đất là phải vừa sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, vừa sửa đổi, bổ sung các Nghị định đã ban hành, đồng thời, xây dựng các Nghị định, Thông tư mới cho những việc chưa được hướng dẫn thi hành.

Về nội dung hoàn thiện, khi định giá đất (cho đất bị thu hồi), nhiều đại biểu cho rằng, phải có sự thỏa thuận của bên có đất bị thu hồi, tức là người có đất bị thu hồi phải là một bên trong quy trình định giá đất. Trường hợp không thỏa thuận được, người bị thu hồi đất có quyền yêu cầu cơ quan thẩm định giá độc lập thẩm định lại. Giá đất được xác định phải dựa trên sự thỏa thuận với người sử dụng đất. Trường hợp không thỏa thuận được về giá, người bị thu hồi đất có quyền yêu cầu cơ quan thẩm định giá xác định giá, giá bất động sản xác định theo giá của cơ quan thẩm định giá đưa ra. Trường hợp một bên không đồng ý với giá của cơ quan thẩm định giá đưa ra có quyền yêu cầu tổ chức khác thẩm định lại giá, giá của cơ quan tổ chức đưa ra là giá để tính đền bù. Nếu các bên không thỏa thuận được có thể đưa ra tòa xem xét để phán quyết. Đồng thời, phải tách thẩm quyền quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và thẩm quyền quyết định về giá đất. Điều này dễ dẫn tới khó kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền gắn với tư lợi. Kinh nghiệm ở nhiều nước, thẩm quyền quyết định về đất đai và giá đất nên trao cho hai cơ quan Nhà nước độc lập với nhau.

Cần mở rộng áp dụng biện pháp đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Thực tiễn nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, việc sử dụng hình thức đấu thầu, đấu giá không chỉ đảm bảo giá của BĐS do thị trường quyết định mà còn là giải pháp để giảm thiểu tham nhũng “cơ chế xin - cho” khi thẩm quyền quyết định hành chính thuộc về một người, cũng như sự “nhũng nhiễu” của đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về thủ tục hành chính.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện các phương pháp định giá đất truyền thống đã ban hành, cần nghiên cứu sử dụng các phương pháp định giá hiện đại bằng sử dụng các mô hình, máy tính trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là một xu thế vào công tác định giá đất. Đây là một công cụ có thể giúp các cơ quan định giá đất hàng loạt./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực