Cần nâng cao chất lượng công tác đặc xá

Thứ ba, 19/06/2018 14:55
(ĐCSVN) –Theo các đại biểu, có ý kiến còn băn khoăn về công tác đặc xá thời gian qua triển khai gấp gáp nên chưa bảo đảm đầy đủ sự tham gia, giám sát của nhân dân, từ đó có thể làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác đặc xá. Vì vậy, Luật sửa đổi phải khắc phục hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác đặc xá.
 

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng). Ảnh: Quang Khánh

Sáng ngày 11/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Đặc xá (sửa đổi). Theo đó, 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch Nước đã có 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Việc Chủ tịch Nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân.Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, qua phản ánh của cử tri, có ý kiến còn băn khoăn về công tác đặc xá thời gian qua triển khai gấp gáp nên chưa bảo đảm đầy đủ sự tham gia, giám sát của nhân dân, từ đó có thể làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác đặc xá. Vì vậy, Luật sửa đổi phải khắc phục hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác đặc xá. Đồng thời tránh việc hiểu sai đặc xá ngoài việc thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước thì còn có mục đích nhằm giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở giam giữ.

Dự thảo Luật cũng quy định chỉ áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng đặc biệt như người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Song có một số ý kiến ĐBQH đề nghị, nên bổ sung đối tượng đặc xá là người được tạm hoãn, tạm điều chỉnh thi hành án.

Liên quan đến chính sách tái hòa nhập cộng đồng sau khi đặc xá, nhiều đại biểu cho rằng, người đặc xá chưa thực sự tái hòa nhập cộng động là do còn thiếu sự quan tâm của cộng đồng. Do vậy, dự thảo Luật nên quy định chính sách bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá. Quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp với đối tượng đặc xá. Nhà nước nên có ngân sách hỗ trợ dạy nghề cho người đặc xá, bảo đảm người đặc xá được phát triển tốt nhất. ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho biết thêm, người được đặc xá chủ yếu thuộc gia đình nghèo, hộ nghèo, có đời sống rất khó khăn. Nên chăng, có chính sách hỗ trợ vốn và vay vốn cho người được đặc xá, giúp họ ổn định cuộc sống? Nhất là khi, người được đặc xá phải chịu sự kỳ thị của xã hội rất nặng nề, họ cũng rất khó để xin được việc làm, bị tự ti, chán nản, bi quan và dễ phạm tội lại. Thậm chí, buộc phải bỏ quê đi sinh sống ở nước khác.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) bổ sung thêm, quyền lợi phải đi kèm với nghĩa vụ. Thực tế có trường hợp người được đặc xá tái vi phạm pháp luật, tái phạm tội. Vì vậy, dự thảo Luật nên quy định thời gian thử thách đối với người được đặc xá theo hướng, tăng cường sự quản lý, theo dõi, giám sát của nhà nước đối với người được đặc xá. /.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực