Cần thiết sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng

Thứ năm, 11/07/2019 09:44
(ĐCSVN) – Luật Thi đua, Khen thưởng có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị nhưng chưa bao quát đối tượng đông đảo người trực tiếp lao động, sản xuất trong cả nước (công nhân, nông dân, trí thức…).
Ảnh minh họa: BTP

Nhiều tồn tại, hạn chế cần sửa đổi

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Bộ Nội vụ cho biết, Luật Thi đua, Khen thưởng được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 01/7/2004. Luật Thi đua, Khen thưởng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013. Sau 15 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo Bộ Nội vụ, Luật xây dựng còn thiếu cần bổ sung một số danh hiệu thi đua, nhất là ở cấp cơ sở như: Cờ thi đua cấp tổng cục thuộc bộ và tương đương, Đại học Quốc gia, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”, trên thực tế các danh hiệu thi đua này đã và đang thực hiện có hiệu quả. Hơn nữa, việc tổ chức triển khai một số phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng còn chưa cao, một số nơi phong trào thi đua chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị; nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua chưa cụ thể, chưa gắn với lợi ích của người lao động, việc công nhận danh hiệu thi đua còn dàn trải.

Về công tác khen thưởng, Bộ Nội vụ đánh giá: Luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng cụ thể chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý; chưa bao quát đối tượng đông đảo người trực tiếp lao động, sản xuất trong cả nước (công nhân, nông dân, trí thức…). Các quy định về tiêu chuẩn còn chung chung định tính, phải điều chỉnh bằng nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn; do đó các văn bản quy phạm thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 đã có quy định điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp; nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện ở từng vùng miền, lĩnh vực khác nhau còn bất cập, vì vậy việc khen thưởng cho đối tượng này chưa được nhiều.

Vẫn theo Bộ Nội vụ, một số quy định về thủ tục, hồ sơ rườm rà, phức tạp chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính...

Sửa đổi những bất cập từ thực tiễn đối với hệ thống hình thức khen thưởng

Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) không có sự thay đổi về bố cục, kết cấu so với hiện hành, không có sự thay đổi về số lương nhưng có sự thay đổi về số điều và nội dung của từng điều.

Dự thảo tập trung vào việc sửa đổi các chủ đề lớn sau: Bổ sung danh hiệu Cờ thi đua cấp tổng cục thuộc bộ và tương đương, Đại học Quốc gia; Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; tiêu chuẩn cụ thể giao cho bộ, ngành quản lý quy định.

Dự thảo cũng bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; bổ sung quy định tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua theo hướng: Luật quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với 02 danh hiệu thi đua cấp nhà nước là “Cờ thi đua của Chính phủ”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; các danh hiệu thi đua cấp bộ, ngành, địa phương Luật chỉ quy định các nguyên tắc, tiêu chuẩn chung, trên cơ sở đó các bộ, ngành, địa phương quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn.

Đối với nhóm nội dung liên quan đến việc sửa đổi những bất cập từ thực tiễn đối với hệ thống hình thức khen thưởng, Dự thảo tập trung vào việc sửa đổi các chủ đề lớn sau: Bổ sung hình thức “Huân chương Vì cộng đồng”, để tặng cho cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác xã hội, từ thiện. Bổ sung hình thức bằng khen cấp tổng cục thuộc bộ và tương đương, Đại học Quốc gia; Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; tiêu chuẩn cụ thể giao cho bộ, ngành quản lý quy định cụ thể. Bổ sung quy định tiêu chuẩn khen thưởng các loại huân chương, huy chương cho tập thể, cá nhân người nước ngoài.

Dự thảo cũng tập trung vào việc sửa đổi phân cấp về thẩm quyền quy định đối tượng, tiêu chuẩn của các danh hiệu thi đua và hình thức theo hướng Luật sẽ quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương; đồng thời giao bộ, ngành, địa phương căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề để quy định tiêu chuẩn cụ thể cho các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về việc phân định rõ thẩm quyền khen  thưởng theo chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành và chức năng quản lý nhà nước theo địa phương để tránh tình trạng khen thưởng chồng chéo, trùng lặp giữa quản lý ngành dọc và địa phương.../.

Trường Nhật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực