Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Thứ sáu, 18/05/2018 13:59
(ĐCSVN)- Bộ GD&ĐT đề nghị bãi bỏ (cắt giảm) 81 điều kiện (chiếm 38,2%); đơn giản hóa 29 điều kiện (chiếm 13,7%). Như vậy, tổng số điều kiện kinh doanh đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa là 110/212 điều kiện (chiếm 51,9%).

Vừa qua, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các vụ, cục chức năng thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI và bà Mai Thị Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT chủ trì hội thảo

Báo cáo phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT cho thấy, thực hiện Luật Đầu tư năm 2014, Bộ GD&ĐT đã tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, tổng số là 212 điều kiện kinh doanh.

Bộ GD&ĐT đề nghị bãi bỏ (cắt giảm) 81 điều kiện (chiếm 38,2%); đơn giản hóa 29 điều kiện (chiếm 13,7%). Như vậy, tổng số điều kiện kinh doanh đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa là 110/212 điều kiện (chiếm 51,9%).

Cụ thể, cắt giảm, đơn giản hóa 94 điều kiện kinh doanh tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; 16 điều kiện kinh doanh tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Việc cắt giảm sẽ có tác động trực tiếp đến hoạt động của các cơ sở giáo dục (mầm non, phổ thông, cao đẳng, đại học); trung tâm giáo dục, hướng nghiệp, đào tạo ngoại ngữ, tin học; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; doanh nghiệp kiểm định chất lượng giáo dục.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đang tham gia đầu tư trong lĩnh vực giáo dục bày tỏ sự đồng tình với phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ GD&ĐT. Các doanh nghiệp cho rằng, chủ trương này phù hợp với mong mỏi của các nhà đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và tạo hành lang thông thoáng cho các cơ sở giáo dục phát triển.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục cấp phép song hành với cắt giảm điều kiện kinh doanh, đồng thời có các phương án giám sát việc áp dụng luật đối với các đơn vị được giao cấp phép nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng các điều kiện đầu tư kinh doanh, tránh mỗi nơi áp dụng một kiểu dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài 110 điều kiện kinh doanh được Bộ đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa, doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ xem xét cắt giảm thêm một số điều kiện đầu tư kinh doanh như: điều kiện giáo viên dạy ngoại ngữ tại trường đại học phải có 5 năm kinh nghiệm; điều kiện xin cấp giấy phép thành lập đối với cơ sở đào tạo ngắn hạn; điều kiện hạn chế mức phần trăm tiếp nhận học sinh Việt Nam vào học tại cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài; giản lược yêu cầu về phòng học bộ môn do hiện nay có thể sử dụng hệ thống công nghệ thông tin để thực hành, yêu cầu về tủ hồ sơ trong lớp học…

Một số doanh nghiệp cũng mong muốn, Bộ GD&ĐT tạo điều kiện để các trường tư thục được tự chủ về tiêu chuẩn nhân sự, về chương trình đào tạo; đồng thời có thông tư hướng dẫn về việc bổ nhiệm người nước ngoài làm hiệu trưởng...

Cũng tại hội thảo, đại diện các vụ, cục chức năng thuộc Bộ GD&ĐT đã trao đổi làm rõ ý kiến của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội. Trên cơ sở những ý kiến thảo luận trong hội thảo, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu để hoàn chỉnh phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ./.

VA

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực