Cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc

Thứ ba, 12/03/2019 15:11
(ĐCSVN) – Sáng ngày 12/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo
nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc. (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Dự án Luật Kiến trúc đã được Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, về phạm vi điều chỉnh của Luật, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật như Tờ trình của Chính phủ vì cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật cần phản ánh được đầy đủ các chế định cần thiết đối với hoạt động kiến trúc, đáp ứng mục tiêu quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc như yêu cầu của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đặt ra khi xây dựng Luật này. Do đó, dự thảo Luật điều chỉnh về 2 nhóm chính sách, bao gồm Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc là phù hợp. Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mang nội hàm phát triển thể hiện trong chính sách của Nhà nước đối với hoạt động kiến trúc, hợp tác quốc tế về kiến trúc, thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc, quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị, hành nghề kiến trúc...

Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành sự cần thiết và đã tiếp thu bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, trong đó quy định rõ những hoạt động kiến trúc được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích làm cơ sở để thực hiện quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.

Về Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ, không nhất thiết quy định trong dự thảo Luật. Hơn nữa, hoạt động kiến trúc gắn liền với hoạt động xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn nhưng cả Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị đều chưa quy định về chiến lược phát triển.

Về Quy chế quản lý kiến trúc, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc là cần thiết để đáp ứng yêu cầu xây dựng, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan cho toàn bộ đô thị và điểm dân cư nông thôn. 

Tiếp thu ý kiến băn khoăn xác đáng của ĐBQH, dự thảo Luật đã bỏ quy định về Quy chế quản lý kiến trúc cấp xã; sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc, nội dung, tổ chức lập, điều chỉnh, rà soát, đánh giá thực hiện Quy chế. Để tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, cấp phép xây dựng, góp phần tạo lập môi trường đầu tư xây dựng thông thoáng, dự thảo Luật chỉ quy định một loại Quy chế quản lý kiến trúc .

Đối với đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị có liên quan đến hoạt động kiến trúc ngay trong Luật Kiến trúc, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất theo hướng này và đã được thể hiện tại Điều 40 dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ khi Luật Kiến trúc có hiệu lực. Đồng thời, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, chỉnh lý để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật...

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung tiếp thu giải trình; đồng thời cho rằng dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung tiếp thu, giải trình của dự thảo Luật Kiến trúc. Cụ thể, nhất trí về dự thảo Luật điều chỉnh về 2 nhóm chính sách, bao gồm Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc. Nhất trí với việc Luật có quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc đồng thời đề nghị cần cần rà soát thêm các quy định cho sát với thực tiễn và khả năng của ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy sáng tạo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc để hạn chế kiến trúc ngoại lai gây phản cảm tuy nhiên ũng cần làm rõ hơn nội hàm về phong cách, đặc điểm quy định mang tính chính trị, định hướng để cổ vũ, thống nhất phát huy bản sắc dân tộc...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trên cơ sở ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình lên Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới../.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực