Đề xuất giám sát chuyên đề về phòng, chống cháy nổ

Thứ tư, 18/04/2018 16:13
(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 tại Phiên họp thứ 23.
Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Tổng Thư Ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Quốc hội khóa XIV đang tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ trước cử tri và Nhân dân.

Năm 2019, Quốc hội sẽ cho ý kiến và xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng nhằm thể chế hóa các Nghị quyết Trung ương về cải cách bộ máy hành chính, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý kinh tế-xã hội. Hoạt động giám sát còn tiếp tục được đẩy mạnh để rà soát, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội.

Xuất phát từ tình hình, đặc điểm năm 2019 và nhiệm vụ của Quốc hội khóa XIV, trên cơ sở tổng hợp các đề xuất của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội đã trình bày dự kiến chương trình giám sát cụ thể của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8 và chương trình giám sát cụ thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho năm 2019.

Về tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát 2019, căn cứ vào Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí cơ bản sau đây: Là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; Không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; Bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Về số lượng chuyên đề giám sát của các cơ quan, thực hiện quy định tại Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội và căn cứ tình hình thực tế, trong năm 2019, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2018; Hội đồng Dân tộc giám sát không quá 3 chuyên đề, các Ủy ban giám sát không quá 2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.

Về đề xuất nội dung chuyên đề cụ thể, từ 190 nội dung đề xuất của các cơ quan và 35 nhóm vấn đề trọng tâm nêu trên; trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn, ý kiến tham gia lựa chọn của đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội và tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội xin trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung cụ thể sau đây để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2019: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2009-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi và khu vực biên giới giai đoạn 2009-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và công tác quản lý quy hoạch, xây dựng công trình đô thị giai đoạn 2009-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ giai đoạn 2009-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2009 – 2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nước giai đoạn 2009-2018.

Nhấn mạnh việc lựa chọn chuyên đề giám sát cần có tính thời sự, dư luận bức xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giám sát tối cao về lĩnh vực tư pháp như công tác thi hành án. Ngoài ra, cháy nổ xảy ra liên tục, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân nên Quốc hội cũng phải giám sát xem công tác thực hiện chính sách pháp luật như thế nào, nhưng giám sát ở mức tối cao thì hơi rộng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng lưu ý công tác phòng chống cháy, nổ hiện nay là vấn đề lớn, liên quan đến việc thực hiện nhiều luật cũng như trách nhiệm của chính quyền đến người dân nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần giám sát. Ngoài ra, đất đai đô thị cũng là vấn đề rất được dư luận và cử tri quan tâm./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực