Đề xuất hai phương án trả lương làm thêm giờ

Thứ năm, 15/08/2019 15:38
(ĐCSVN) - Tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thảo luận về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh (Ảnh: quochoi.vn)

Báo cáo về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), đã có 170 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thảo luận ở Tổ và 26 ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Ngay sau kỳ họp thứ 7, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục nhận được 11 văn bản góp ý kiến về dự án Bộ luật của các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các Hiệp hội doanh nghiệp và một số cử tri. Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã xây dựng Kế hoạch tiếp thu, chỉnh lý và chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo tổ chức các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến góp ý dự án Bộ luật tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy ban đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổ chức các phiên họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý một bước dự thảo Bộ luật. Ngày 06/8/2019, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban đã thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật

Tại phiên họp, một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau được Ủy ban Về các vấn đề xã hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là về tiền lương làm thêm giờ.

Do còn ý kiến khác nhau của các bên, Ủy ban thẩm tra dự kiến hai phương án trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án 1: như dự thảo do Chính phủ trình

Quy định như Bộ luật hiện hành (vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%; làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm ít nhất 20%), đồng thời bổ sung thêm quy định: việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định trên thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.

Phương án 2: được thiết kế trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, tết và ngày nghỉ có hưởng lương và thể hiện tại Điều 100 của dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên, đến nay cơ quan đề xuất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa bổ sung đánh giá tác động đầy đủ để làm căn cứ quyết định phương án cụ thể.

Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, cả hai phương án thực chất đều là trả lương theo lũy tiến. Phương án 2 được đề xuất nhằm để người sử dụng lao động cân nhắc, tính toán khi có nhu cầu, nếu thấy thật sự cần thiết và bảo đảm hiệu quả mới huy động làm thêm giờ, trên cơ sở thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên, cần phải đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, trong đó có nguồn lực ngân sách nhà nước phải chi trả đối với khu vực công; lấy thêm ý kiến người lao động, người sử dụng lao động, chuyên gia, các nhà quản lý… để việc lựa chọn có cơ sở khoa học, thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, chú trọng việc đảm bảo tái tạo sức lao động của người lao động. Đồng thời, việc trả lương lũy tiến cần đặt trong mối quan hệ giữa giờ làm thêm theo ngày, theo tháng và theo năm để nhất quán về quan điểm. Trên thực tế, khi người sử dụng lao động chỉ tổ chức cho người lao động làm thêm tối đa không quá 02 giờ/ngày thì việc tính lũy tiến theo Phương án 2 cũng không có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, cũng cần tính đến các lao động làm thêm giờ mang tính đặc thù như trực theo ca của cán bộ y tế, lái xe, bảo vệ.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sở dĩ đến nay chưa có báo cáo đánh giá tác động về việc này là vì chính sách chưa được áp dụng bao giờ, trên thế giới cũng mới chỉ có 2 quốc gia thực hiện việc tính lương làm thêm luỹ tiến theo giờ./.

Trường Nhật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực