Con dao 2 lưỡi của Tài nguyên!

Thứ sáu, 31/03/2017 16:12
(ĐCSVN) – Bất cứ quốc gia nào cũng có quyền tự hào khi sở hữu “rừng vàng, biển bạc”. Nhưng không phải ai cũng hạnh phúc với tài nguyên sẵn có, nếu việc khai thác và sử dụng trở thành lời nguyền dai dẳng đối với môi trường sống và an sinh xã hội.

Hàng trăm hécta rừng bị chặt phá ở Đắk Nông (ảnh: laodong.com.vn)

Không chỉ ở Việt Nam, trên khắp thế giới, vấn đề quản trị tài nguyên vẫn được xem là thách thức rất lớn đối với chính quyền. Dầu mỏ ở Trung Đông, các mỏ khoáng sản, quặng sắt, khí tự nhiên và dầu lửa khắp Nam Mỹ, than và dầu cát vùng Bắc Mỹ, tất cả đều đã trải qua một quá trình bất ổn trong việc khai thác và phân chia quyền lợi. Nói gọn lại, khi nguồn lợi từ khai thác tài nguyên chỉ chảy vào túi một nhóm lợi ích, khi dân chúng bị đẩy ra khỏi cuộc chơi nhưng lại phải gánh lấy rủi ro từ thiếu thốn vật chất hay thảm họa môi trường, mọi chuyện sẽ trở nên hỗn loạn. Sự thật cho thấy, tài nguyên dồi dào không hẳn đồng nghĩa với hạnh phúc. Từ việc khai thác than, kim loại, khoáng sản cho tới cát, đá, rừng đầu nguồn, bất cứ nơi nào người dân cũng phải đối mặt với rủi ro về môi trường sống, ngay cả khi đã giải được bài toán hoàn nguyên.

Không chỉ trên cạn, nguồn tài nguyên dưới nước cũng bị đe dọa nếu những chủ trương lớn không được nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta không còn xa lạ với hình ảnh những làng chài trăm năm biến mất để nhường chỗ cho các resort hay những khu nghỉ dưỡng tư nhân tráng lệ, khép kín. Và khi nền công nghiệp sắt thép hay dầu khí lựa chọn vùng biển của ngư dân để sản xuất, những nguy cơ về ô nhiễm cũng ập đến nhanh không ngờ.

Khai thác và tận dụng tài nguyên theo chủ trương lớn đã không đơn giản, việc tư nhân lao vào cuộc chơi còn chứa đựng nhiều hiểm họa hơn. Cát tặc lộng hành từ sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Lô cho tới tận hạ nguồn sông Hương, sông Đồng Nai..., uy hiếp các công trình thủy lợi, gây xáo trộn và bất ổn an ninh với người dân. Quá khứ là những bãi vàng đầy máu và nước mắt. Hiện tại là những cơn sốt đào quặng quý lan tận tới những tỉnh vùng cao, khiến bà con dân tộc không còn thiết tha gì nương rẫy. Họ mang theo mộng đời, nhưng kèm theo là ẩn họa khôn lường từ những lò “thổ phỉ”.

Nói về những nguy cơ, không có nghĩa là chúng ta phủ nhận những lợi ích của nguồn tài nguyên màu mỡ. Nhưng khi người dân nằm trong các khu vực được quy hoạch lợi ích kinh tế không hề có tiếng nói về quyền sở hữu và cách thức khai thác, khi những chủ thể liên quan không tìm được tiếng nói chung, và khi những dự án không theo được tính chuyên nghiệp, minh bạch, vấn đề phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường sống vẫn sẽ là dấu hỏi lớn.

Trên giấy tờ, lợi ích cộng đồng ở mỗi dự án khai thác tài nguyên sẽ là công ăn việc làm, là hạ tầng, là công nghệ hay chất lượng cuộc sống. Có điều, thực tế cho thấy những nguồn lực cộng hưởng từ không ít dự án FDI, BOT hay BT có khi chỉ là những điều hứa hão, đổ gánh nặng chi phí cho người dân - những người lẽ ra phải được hưởng lợi nhiều nhất.

Ở nước ta, Luật Đầu tư đã có những quy định khá chặt chẽ về việc phân cấp thẩm quyền cấp phép, đã tạo ra những quy trình đặc thù cho mỗi loại tài nguyên, nhưng theo thời gian, những lỗ hổng vẫn xuất hiện. Dễ thấy, tại nhiều địa phương, cơ chế xin-cho hay những dự án thiếu minh bạch vẫn còn tồn tại, những cách thức xử lý vấn đề môi trường, an sinh xã hội vẫn còn sơ sài, thiếu thực chất. Ngoài ra, phương án bảo lãnh ngân hàng cho các rủi ro của các dự án cũng chưa được được nghiên cứu nghiêm túc để đưa vào thực tế, dẫn đến các tranh chấp phức tạp khi xảy ra sự cố.

Tài nguyên thiên nhiên là món quà vô giá nhưng không là vô hạn. Tận dụng được nó một cách hữu ích hay không vẫn sẽ là bài toán khó. Sử dụng nguồn tài nguyên không chỉ cần tài năng, mà còn cả tâm đức để con dao 2 lưỡi không quay lại đâm vào chính mình./.

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực