Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng góp ý xây dựng luật năm 2020

Thứ sáu, 14/02/2020 15:59
(ĐCSVN) – Ngày 13/2, Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Lâm Đồng dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách đã tổ chức hội nghị triển khai công tác góp ý xây dựng luật năm 2020.

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng triển khai công tác góp ý xây dựng luật năm 2020.
(Ảnh: baolamdong.vn) 

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo các thành viên tổ tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng dự kiến sẽ tổ chức các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến, đảm bảo chất lượng và đúng thời gian quy định nhằm đóng góp đối với các dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 và kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tại hội nghị, các đại biểu góp ý kiến nghị với Đoàn ĐBQH cần có thông tin phản hồi, đánh giá ý kiến góp ý đã được tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung vào các dự án luật.

Bên cạnh đó, cần có những đánh giá sơ kết, tổng kết về những kết quả xây dựng luật, góc độ tư vấn, tham mưu cho Đoàn ĐBQH.

Đặc biệt, việc góp ý xây dựng luật cần mời những chuyên gia có kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau để xây dựng các dự án luật đạt chất lượng, yêu cầu đề ra nhằm góp phần chung vào quá trình xây dựng pháp luật Việt Nam sát với thực tiễn, địa phương để pháp luật ngày càng đi vào cuộc sống.

Với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, tại Kỳ họp thứ 9, sẽ trình Quốc hội thông qua các dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Dự kiến kỷ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra 20,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5/2020 và bế mạc vào ngày 17/6/2020. Trong đó, Quốc hội sẽ dành 11 ngày cho công tác lập pháp. Cụ thể dự kiến xem xét, thông qua 10 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trong thời gian 5,75 ngày; cho ý kiến đối với 7 dự án luật trong thời gian 5,25 ngày./.

Châu Anh (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực