Dự án Luật Trồng trọt: Tạo lập nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng

Thứ ba, 22/05/2018 16:05
(ĐCSVN) – Dự án Luật Trồng trọt ra đời nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày tờ trình
(Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự án Luật Trồng trọt.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Trồng trọt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Dự án Luật Trồng trọt ra đời nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự thảo Luật Trồng trọt trình Quốc hội có bố cục gồm 7 Chương và 82 Điều quy định về  giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.

Tờ trình nêu rõ, dự thảo Luật đã bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt; bổ sung và luật hóa công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bổ sung và luật hóa các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư; hỗ trợ hoặc ưu đãi của Nhà nước cho các hoạt động cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ; rà soát, bổ sung các hành vi bị cấm trong lĩnh vực trồng trọt; điều chỉnh các quy định về quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và năng lực quản lý, giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính và kinh phí cho doanh nghiệp…

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Trồng trọt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, đa số thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Trồng trọt; cho rằng nội dung của dự thảo Luật Trồng trọt đã cơ bản thể chế hóa được đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp; phù hợp với chiến lược phát triển ngành trồng trọt, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam; phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được nêu trong Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước được ban hành trong thời gian gần đây.

Về các quy định đổi mới của Dự thảo Luật Trồng trọt, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành và cho rằng các quy định này phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động trồng trọt trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế và có tính khả thi tương đối cao.

Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải trình rõ các  nội dung về lộ trình xây dựng, ban hành đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng phân bón; việc bảo tồn, khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống cây trồng, đặc biệt là nguồn gen quý hiếm, bản địa đem lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trồng trọt. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa một số quy định trong dự thảo Luật cho phù hợp với thực tế như: quy định khi nộp mẫu giống, chủ sở hữu giống phải cam kết mẫu giống đó không trùng với giống đã được bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào (khoản 1, Điều 14); quy định về trình độ người làm kỹ thuật ở cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán giống cây trồng (điểm a, khoản 1, Điều 33); quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng canh tác trong khu đô thị và canh tác gắn với du lịch phải được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành (khoản 1, Điều 71); quy định về cơ sở bảo quản, chế biến phải gắn với vùng sản xuất nguyên liệu (khoản 4, Điều 73)…/.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực