Dư luận ủng hộ xử lý nghiêm vụ AVG, đánh bạc qua internet

Thứ hai, 21/05/2018 17:20
(ĐCSVN) - Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV tại Hà Nội sáng ngày (21/5), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã trình bày trước Quốc hội báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua.

Báo cáo cho biết, công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; quyết liệt chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm, được dư luận đồng tình, ủng hộ (như các vụ việc: AVG, đất đai tại Đà Nẵng,…)

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được nhiều bộ ngành, địa phương triển khai tích cực; bán cổ phần lần đầu tại một số doanh nghiệp lớn đạt kết quả tốt.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sáng ngày 21/5. Ảnh: Ngọc Huyền

Trong 4 tháng đã thoái vốn tại 7 DNNN lớn (Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Tập đoàn cao su Việt Nam, Tổng Công ty lương thực miền Nam, Tổng Công ty thương mại Hà Nội, Tổng Công ty phát điện 3), thu về trên 20.000 tỷ đồng.

Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn đạt kết quả bước đầu, giảm lỗ và một số dự án đã có lãi. Trong đó, có 02 dự án đã có lãi và cắt giảm được lỗ lũy kế là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM).

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, thời gian qua đã tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm (như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, tập đoàn Dầu khí…).

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Trong 4 tháng có trên 41.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 11.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung đạt trên 1,16 triệu tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại yếu kém được kiểm soát chặt chẽ, tập trung xử lý theo nguyên tắc thị trường. Đến cuối tháng 3/2018, tỉ lệ nợ xấu còn 2,18%.

Bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức đó là, cải cách thủ tục hành chính ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có chuyển biến tích cực. Cổ phần hóa, thoái vốn có nơi còn chậm; nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Công tác xây dựng pháp luật còn những hạn chế, bất cập. Việc xây dựng, trình một số dự án luật còn chậm. Công tác triển khai thi hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong một số lĩnh vực còn hạn chế. Xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia triển khai còn chậm; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa cao.

Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra hiệu quả chưa cao. Tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài diễn ra tại một số địa phương…/.

Ngọc Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực