Tinh giản biên chế: Tất cả phải vì lợi ích chung

Thứ ba, 31/10/2017 14:47
(ĐCSVN) – Trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã và đang có nhiều giải pháp nhằm thực hiện quyết tâm hoàn thành mục tiêu tinh giản 10% tổng biên chế đến năm 2021. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tinh giản biên chế vẫn là một bài toán khó cần quyết tâm vì lợi ích chung.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá giai đoạn 2011- 2016, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, phát huy được những kết quả của việc cải cách hành chính, sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy trong các giai đoạn trước. Hệ thống các văn bản pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện, thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng; nội dung bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng được nâng lên, góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cải cách hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, quản lý biên chế.

Đại biểu Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội trường (Ảnh:ĐN)

Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay chưa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ hành chính đặt ra. Theo báo cáo của Chính phủ, nước ta có khoảng hơn 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc, tính tổng số có khoảng 8 triệu người đang hưởng lương, chiếm 8,3% dân số. Hàng năm, ngân sách phải bỏ ra khoảng 20% chi thường xuyên dành cho quỹ lương. Với đội ngũ cán bộ, công chức lớn nhưng hiệu lực, hiệu quả thực hiện công việc chưa cao. Mặt khác, việc đánh giá hiệu quả công việc chưa sát thực tiễn, mới chỉ dựa trên định tính, còn nể nang, không khoa học. Điều này đã dẫn đến việc tinh giản bộ máy, biên chế còn nhiều khó khăn.

Chính phủ đã có Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế, trong đó quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng 50% số biên chế đã được tinh giản. Tuy nhiên theo số liệu của Chính phủ, việc tinh giản biên chế giai đoạn 2007 - 2011 đạt 2, 8%, trung bình 0,56%/năm, trong đó có hơn 90% thuộc đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi. Nhưng giai đoạn 2011 - 2016, tổng số biên chế tăng, tính đến cuối 2016 đã tăng gần 4,8% so với năm 2011. Bình quân giai đoạn này, mỗi năm tăng gần 1%. Số liệu này cho thấy giải pháp tinh giản biên chế trong những năm qua chưa thực sự có hiệu quả; các bộ, cơ quan, tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc quy định pháp luật về tinh giản biên chế, vẫn còn tình trạng phình to các đầu mối, gia tăng lượng biên chế; trong khi việc thực hiện cơ cấu lại bộ máy, sắp xếp lại cán bộ, công chức còn chậm, thiếu hệ thống; đề án vị trí việc làm chưa được thật sự đồng bộ và triển khai chưa có hiệu quả.

Để giải quyết thực tế nêu trên, đại biểu cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng, rà soát đề án vị trí việc làm cho sát thực tế và có lộ trình thực hiện, xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức dựa trên năng lực việc làm để có cơ sở trong sắp xếp tinh giảm bộ máy biên chế. Trước hết khẩn trương chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm giảm áp lực ngân sách cung cấp cho hơn 2 triệu cán bộ về tiền lương.

Còn theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), nhìn chung tinh giản biên chế và đạt được nhiều kết quả tích cực, biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm. Tuy nhiên, những kết quả đạt được cho đến nay còn khiêm tốn, nhóm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2011 đến nay mới giảm hơn 3000 người. Trong khi đó nhóm viên chức làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm cung cấp các dịch vụ công lại tăng nhanh, đến nay đã lên tới hơn 2 triệu người và tăng 5,8% so với năm 2011.

“Tôi cho rằng nguyên nhân chủ quan cũng rất đáng lưu ý, đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm kỷ luật quản lý biên chế. Việc xã hội hóa dịch vụ công chưa làm nhiều, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao. Do đó, chúng tôi đề nghị thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18 thì cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện đúng quy định không đạt được mục tiêu tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy. Về nghị quyết của Quốc hội, tôi đề nghị ngoài việc Quốc hội ra chỉ tiêu về tinh giản biên chế, Chính phủ hàng năm phải có Báo cáo về kết quả tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế để làm cơ sở cho Quốc hội giám sát”, đại biểu kiến nghị.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường (Ảnh:KS)

Khẳng định tinh giản biên chế là một nội dung quan trọng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tuy nhiên đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, công việc này vẫn chưa được thực hiện một cách có hiệu quả, chưa đi vào thực chất và chưa đạt mục tiêu đề ra như nhận định của báo cáo kết quả giám sát. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 4 năm 2015 tổng biên chế công chức cả nước vượt 1.047 người. Biên chế sự nghiệp vượt 11.635 người. Hiện tại tổng số biên chế công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là 2.372.379 người. Còn tính tổng số người hưởng lương trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người. Vấn đề là trong đội ngũ đông đảo ấy có bao nhiêu phần trăm là không đủ phẩm chất trình độ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ công vụ vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng. Do vậy, tinh giản mới chỉ thực hiện được ở nhóm nghỉ hưu trước tuổi (theo báo cáo giám sát tỷ lệ này là 90%) chứ chưa đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ và trình độ năng lực yếu kém .

Một, việc chưa tinh gọn được tổ chức bộ máy ở cơ quan đầu mối như bộ, sở không tăng nhưng các đơn vị trực thuộc vẫn tăng. Như chúng ta vẫn thường nói, hiện tượng này là bóp trên phình dưới. Có nhiều nguyên nhân trong đó có sự chưa rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật khi cụ thể hóa quan điểm chính sách của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy. Đến nay đề án vị trí việc làm, 1 căn cứ quan trọng để làm cơ sở, định hướng tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ tại nhiều đơn vị vẫn chưa làm xong hoặc chưa được phê duyệt nên thiếu cơ sở vững chắc cho việc đánh giá cán bộ. Các quy định về tổ chức bộ máy cũng chưa xác định được thật sự rõ và cụ thể tổ chức, đơn vị nào phải giải thể, phải cắt bỏ, tổ chức, đơn vị nào phải để hoặc phải thành lập mới. Đại biểu cũng đề nghị nên bổ sung vào điểm 3 nhóm nguyên nhân chủ quan là vẫn còn tình trạng ban hành văn bản, thể chế hóa quan điểm của Đảng, luật của Quốc hội có nội dung chưa đồng bộ, chưa rõ ràng./.

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực