Góp ý về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Thứ tư, 06/03/2019 09:55
(ĐCSVN) - Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
góp ý về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) (Ảnh minh họa)

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội vừa phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội thảo góp ý về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Nghị quyết xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với nhiều nội dung định hướng tiếp thu giải trình của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo trình, đồng thời tiếp tục đề nghị hai cơ quan nghiên cứu về tính cụ thể, tính thống nhất của Luật Quản lý thuế với Luật Hải quan, Luật Xử phạm vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại, tố cáo; về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước; về hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo mong nhận được sự đóng góp ý kiến về các điều khoản cụ thể của dự thảo luật, từ đó sẽ tiếp thu các ý kiến xác đáng hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước; Hội đồng tư vấn xã, phường, thị trấn; thẩm quyền xóa nợ tiến thuế, tiền phạt chậm nộp; khai bổ sung hồ sơ khai thuế…

Cho ý kiến tại Hội thảo, ông Sebastien Eckardt, Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới khẳng định, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế vào thời điểm này hết sức phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với kinh tế thế giới. Ông Sebastien Eckardt cho rằng, dự thảo Luật đã sát hơn với thông lệ quốc tế, đã áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro, chuyển giá, áp dụng hóa đơn điện từ; khai và nộp thuế điện tử; quy định rõ vai trò của cán bộ thuế… trên cơ sở đó, sẽ giúp Việt Nam quản lý thuế tốt hơn, đảm bảo tuân thủ tốt hơn.

“Dự thảo mới nhất đã cho phép Việt Nam rà soát và cập nhật 70 Nghị định thuế song phương theo hướng đa phương, sẽ giúp Việt Nam hướng tới khuôn khổ hiệp định thuế tiêu chuẩn, sẽ giải quyết các khe hở khiến các doanh nghiệp chuyển lợi nhuận sang nước có mức thuế thấp hơn. Do đó, cần nâng tầm chống chuyển giá bằng cách nâng Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đưa vào trong dự thảo Luật”, ông Sebastien nói.

Một số ý kiến đóng góp về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước. Liên quan đến vấn đề này, kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho biết, về cơ bản không thay đổi so với giải trình trước đó tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ viết lại cho chặt chẽ hơn. Cụ thể, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định theo hướng, cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Thanh tra Nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra ban hành.

Đồng thời, để khắc phục tồn tại trong thực tiễn phát sinh khi cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế có liên quan đến nghĩa vụ người nộp thuế, cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra nhà nước phải có trách nhiệm gửi văn bản có kiến nghị cho người nộp thuế về các nội dung có liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện theo kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra thì thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra nhà nước theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra và Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính.

Sau Hội thảo này, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn chỉnh dự án Luật. Dự kiến, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực