Có được cử tuyển vào các cơ sở giáo dục thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an?

Thứ hai, 30/03/2015 13:56

(ĐCSVN) - Hỏi: Con em chúng tôi thuộc dân tộc rất ít người, vậy có được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hay không? Xin cho biết, điều kiện và tiêu chuẩn cụ thể? – Cao Mạnh Thắng, tỉnh Lai Châu.

Trả lời: Theo Điều 10 Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11//2006 của Chính phủ quy định về cử tuyển vào các cơ sở giáo dục thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an như sau:

Bộ Quốc phòng căn cứ quy định tại Nghị định này, chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn việc tổ chức cử tuyển, tổ chức đào tạo và cấp kinh phí đào tạo cử tuyển đối với các đối tượng, chỉ tiêu quy định tại Điều 5, đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định này vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề do Bộ Quốc phòng quản lý để đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho Bộ Quốc phòng.

Bộ Công an căn cứ quy định tại Nghị định này, chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn việc tổ chức cử tuyển, tổ chức đào tạo và cấp kinh phí đào tạo cử tuyển đối với các đối tượng, chỉ tiêu quy định tại Điều 5, đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Nghị định này vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề do Bộ Công an quản lý để đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho Bộ Công an.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, con em bạn hoàn toàn được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nếu đảm bảo đủ các điều kiện được quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

* Về đối tượng cử tuyển:

- Công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh, ưu tiên xét cử tuyển đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao.

- Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số mà dân tộc đó chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp so với số dân của dân tộc đó trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thường trú ở khu vực III, II (có thể xét cả đối tượng ở khu vực I trong trường hợp dân tộc thiểu số đó có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp so với số dân của dân tộc đó trong phạm vi cả nước hoặc việc cử tuyển đối với các đối tượng này ở khu vực III, II không đủ chỉ tiêu được giao) từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh.

Các khu vực III, II, I nêu trên được xác định theo quy định phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ tướng Chính phủ.

* Về chỉ tiêu cử tuyển

- Chỉ tiêu cử tuyển được xác định theo từng năm, trong kế hoạch tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp của Nhà nước và được cơ quan có thẩm quyền giao theo từng ngành nghề, trình độ đào tạo;

- Chỉ tiêu cử tuyển đối với đối tượng quy định tại mục b khoản 1 Điều này phải được giao riêng trong tổng chỉ tiêu cử tuyển giao hàng năm cho các địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

* Về tiêu chuẩn người được hưởng chế độ cử tuyển gồm:

- Tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) đối với đối tượng được cử tuyển vào đại học, cao đẳng và tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông đối với đối tượng được cử tuyển vào trung cấp; xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp (hoặc xếp loại rèn luyện năm cuối khóa) đạt loại khá trở lên; xếp loại học tập năm cuối cấp (hoặc cuối khóa) đạt trung bình trở lên đối với người dân tộc thiểu số và loại khá trở lên đối với người dân tộc Kinh.

- Đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển.

- Không quá 25 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.

- Không thuộc biên chế Nhà nước.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực